Không chỉ đối mặt với nỗi đau mất cha, mất mẹ, những nỗi đau tinh thần vượt quá sức tưởng tượng với các em mà phía trước các em còn là tương lai mờ mịt...
Khi những mâu thuẫn âm ỉ giữa người lớn trong gia đình bùng lên thành những vụ án mạng, những đứa trẻ không chỉ đối mặt với nỗi đau mất cha, mất mẹ, những nỗi đau tinh thần vượt quá sức tưởng tượng với các em mà phía trước các em còn là tương lai mờ mịt...
Những vết bỏng trên mặt cháu Hoàng Phi Bắc vẫn chưa lành
Chỉ trong ít ngày cuối tháng 4, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra những vụ án mạng liên quan đến người trong cùng một gia đình. Dù nguyên nhân là gì thì các vụ việc thương tâm cũng khiến những đứa trẻ trong các gia đình đó phải chịu nhiều khổ đau, bất hạnh. Vì hành động dại dột của người mẹ mà anh em cháu Nguyễn Mạnh Huy (8 tuổi), Nguyễn Mạnh Hoàng (5 tuổi) ở xã Kim Anh (Kim Thành) phải mất đi mạng sống. Còn tương lai của ba đứa con nhà anh Hoàng Phi Khoa ở thị trấn Thanh Hà cũng trở nên mờ mịt khi bỗng chốc chịu cảnh mồ côi.
Chúng tôi về thị trấn Thanh Hà khi cơn mưa đầu hè đang chực đổ xuống. Dưới bầu trời âm u, căn nhà của gia đình anh Khoa nay càng trở nên lạnh lẽo, cô quạnh. Những vệt đen ám khói của vụ cháy kinh hoàng ngày 18-4 cướp đi mạng sống vợ chồng anh Khoa vẫn còn đó. Cổng khóa, cửa nhà vẫn mở nhưng chúng tôi gọi mà không thấy người trả lời. Một người hàng xóm đi ngang qua dừng lại cho biết từ khi xảy ra vụ việc hãi hùng ấy không có ai ở nhà này cả. Gia đình em gái bà Bê (mẹ vợ anh Khoa) giữ chìa khóa cổng để thỉnh thoảng qua hương khói. Từ ngày hai con qua đời, bà Bê cũng không về nhà mà ở chùa Minh Khánh dọn dẹp, chăm nom cho tĩnh tâm, ổn định tinh thần. Cú sốc quá lớn khiến bà suy sụp và chưa biết đến khi nào mới có thể vượt qua. Không muốn gợi lại sự việc đau lòng, sư thầy Thích Diệu Hiển trụ trì chùa Minh Khánh khuyên tôi không nên hỏi chuyện bà Bê thời gian này. Từ khi gia đình bà gặp biến cố, cùng với chính quyền, đoàn thể tại địa phương, sư thầy đã tích cực kêu gọi, vận động mọi người phát tâm ủng hộ mấy đứa trẻ. Con trai út của anh Khoa là cháu Hoàng Phi Bắc năm nay mới lên 4 tuổi. Cháu bị câm điếc bẩm sinh nên việc chăm sóc vốn khó khăn nay càng vất vả hơn. Gần một tháng sau vụ cháy, những vết bỏng trên mặt cháu Bắc chưa kịp lành. Được vợ chồng người ông họ chăm sóc, mỗi lần nhắc đến bố mẹ cháu Bắc lại ngúng nguẩy đòi đi ra chỗ khác. Ông Hải hiện đang nhận nuôi cháu Bắc kể: "Cứ thấy người lạ hỏi chuyện là cháu tránh đi chỗ khác. Đêm ngủ thỉnh thoảng lại giật mình khóc thét lên. Bây giờ vợ chồng tôi cũng chỉ biết lo cho cháu bát cơm, manh áo hằng ngày chứ việc đi học thì vài năm nữa mới tính được".
Theo sư thầy Thích Diệu Hiển, đến nay chính quyền, đoàn thể địa phương và một số nhà hảo tâm đã đến thăm và ủng hộ. Toàn bộ số tiền được sư thầy và người nhà gửi ngân hàng để lo cho các cháu. Cũng có một số người ngỏ ý xin 1 cháu về nuôi nhưng người nhà không đành lòng. Hiện cháu Hoàng Phi Hùng (11 tuổi) và cháu Hoàng Phi Hồng (8 tuổi) được dì ruột là chị Mạc Thị Thương ở xã Tân An (Thanh Hà) đón về nuôi.
Gia đình chị Thương, anh Khiêm có 2 con trai còn nhỏ dại, nay nuôi thêm 2 đứa cháu thì cuộc sống vất vả hơn. Để đủ không gian sinh hoạt cho các cháu, những ngày này anh chị đang sửa sang lại căn nhà cấp 4 vốn đã chật chội từ lâu. "Trước khi qua đời, chị tôi chỉ kịp dặn vợ chồng chú dì thay anh chị chăm sóc các cháu. Có gì ăn nấy, khó khăn đến đâu vợ chồng tôi cũng cố gắng thực hiện lời trăn trối của chị. Tôi đã làm thủ tục chuyển khẩu các cháu về đây. Hết năm học này tôi cũng sẽ chuyển các cháu về đây học cho tiện", chị Thương tâm sự.
Điều kiện kinh tế không khá giả, thu nhập chủ yếu trông chờ vào chăn nuôi, đồng ruộng nên khi chị Thương đón các cháu về nuôi ai cũng ái ngại. Ngoài các cháu con chị gái, vợ chồng chị còn gánh vác trách nhiệm nuôi mẹ già và con trai của người anh chồng bị khuyết tật. Dù anh chị có cố gắng nhiều đến đâu cũng khó có thể chăm lo cho 5 đứa trẻ được vẹn toàn. Bà Phạm Thị Sáu, mẹ chồng chị Thương thổ lộ: "Bây giờ mọi gánh nặng gia đình đều đổ dồn vào hai đứa nó. Tôi thì đã già yếu chỉ hỗ trợ được việc cơm nước hằng ngày. Tôi cũng động viên các con cố gắng sắp xếp, xoay xở công việc để chăm nom, cho các cháu, các con học hành tới nơi, tới chốn".
Từ trước tới nay, hai cháu Hùng và Hồng sức khỏe đều không tốt. Di chứng của cơn bạo bệnh hồi nhỏ khiến thị lực của cháu Hùng bị hạn chế. Còn cháu Hồng có tiền sử hai lần bị lồng ruột phải đưa đi cấp cứu nên cũng thường xuyên ốm đau. Ngoài nỗi lo sức khỏe, học hành cho các cháu, chị Thương còn trăn trở với khoản nợ ngân hàng hơn 200 triệu đồng mà vợ chồng chị gái để lại. Chị Thương lo lắng: "Số tiền đó vợ chồng chị tôi vay để chữa bệnh cho các cháu và mua máy móc làm xưởng cơ khí. Nay anh chị mất cả rồi, các cháu thì còn quá nhỏ nên tôi cũng không biết xoay xở thế nào".
Nhìn những đứa trẻ nhà anh Khoa đang sống trong gia đình đủ đầy nay "tan đàn xẻ nghé", tương lai nhọc nhằn ai cũng không khỏi chạnh lòng. Vết thương thể xác rồi sẽ lành. Những tấm lòng vàng sẽ san sẻ, giúp các em vượt qua thiếu thốn vật chất. Nhưng khoảng trống khi thiếu vắng bố mẹ ở bên khó có thể khỏa lấp trong suốt cuộc đời các em.
HẠO NHIÊN