Bi hài tên doanh nghiệp

06/05/2017 14:20

Nhiều doanh nghiệp (DN) có tên khá giống nhau, cùng hoạt động một lĩnh vực, ở một địa bàn dễ gây nhầm lẫn.


Điển hình như các công ty: CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng Hải Dương (đã hoạt động 16 năm, trụ sở ở phường Tân Bình), CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng Hải Dương - TNK (đã hoạt động 7 năm, trụ sở ở phường Tứ Minh).

Tìm kiếm qua Google, có gần 150 DN sử dụng tên với thành phần là Phúc Sơn, riêng Hải Dương có hơn 10 DN. Ví dụ như Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phúc Sơn HD (TP Hải Dương) chuyên sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng từ sét, thi công xây dựng... hoạt động từ tháng 10.2016; Công ty CP Phúc Sơn KT (Kim Thành) hoạt động từ ngày 24.4.2017 chuyên sản xuất, kinh doanh bê tông, các sản phẩm từ xi măng và thạch cao.

Việc Công ty Xi măng Phúc Sơn bị Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định đình chỉ hoạt động 3 tháng cuối tháng 4 vừa qua đã tác động xấu đến các DN khác do hiểu nhầm tên.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), từ khi Luật DN sửa đổi có hiệu lực thi hành (ngày 1.7.2015), các vướng mắc liên quan tới tên gọi DN đã giảm nhiều và chưa có trường hợp “oái ăm” nào.

Theo quy định mới, DN đăng ký mới tên không được trùng với DN đã đăng ký trước đó trong phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, tại thời điểm luật mới có hiệu lực, DN ở địa phương này đã có tên trùng với DN ở địa phương khác vẫn được chấp nhận, vì không thể bắt các DN trùng tên phải đổi lại tên của mình được.

Nhiều năm tư vấn cho DN, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) còn kể hàng chục chuyện bi hài từ việc đặt tên DN. Có người tới đăng ký thành lập DN lấy tên là Lý Thụy chỉ vì 2 vợ chồng tên là Lý và Thụy.

Khi được khuyên nên đổi sang một cái tên khác vì đó là bí danh của Bác Hồ lúc hoạt động cách mạng, họ đã vui vẻ chọn tên khác. Hai luật sư tên Hùng và Vương hợp tác mở một công ty luật với tên gọi Công ty Luật hợp danh Hùng Vương. Trường hợp này đã không được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp nhận vì trùng với tên Vua Hùng...

Trường hợp khác, một cá nhân muốn đăng ký tên DN là Công ty TNHH Cung cấp dịch vụ Sung Sướng. Cái tên này nghe rất nhạy cảm. Một cái tên khác cũng không hợp là “Công ty CP Ăn mòn Việt Nam”, hoạt động kinh doanh các chất ăn mòn.

Ngành nghề kinh doanh hợp pháp nhưng cụm từ “ăn mòn Việt Nam” đã khiến cán bộ đăng ký kinh doanh lúng túng vì không biết có xếp vào trường hợp nhạy cảm hay không.

Ông Lê Xuân Hiền cho rằng hiện nay luật quy định như vậy nhưng đôi khi vẫn có trường hợp cần cân nhắc trên cơ sở thuyết phục và mục tiêu kinh doanh thông thường của DN. Nội dung cấm đặt tên DN liên quan tới thuần phong, mỹ tục, văn hóa, truyền thống dân tộc quá chung chung...

Thực tế cho thấy, chuyện đặt tên DN vẫn còn không ít vướng mắc. Các cấp có thẩm quyền, ngành liên quan cần kịp thời ban hành những quy định điều chỉnh và giải thích rõ nhằm tạo sự tiện lợi cho người dân, để không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bi hài tên doanh nghiệp