Trạm bơm Bình Hàn có 4 máy bơm nhưng người dân yêu cầu chỉ vận hành 1 máy. Do đó thời gian tiêu úng kéo dài, gây ngập úng trong khu dân cư.
Trạm bơm Bình Hàn được UBND TP Hải Dương nâng cấp từ công suất 5.000 m3 /giờ lên 16.000 m3 /giờ
Kênh xả bị các hộ nuôi cá ngoài đê lấn chiếm cộng với việc nâng cấp thiếu đồng bộ nên trạm bơm Bình Hàn (TP Hải Dương) không thể hoạt động hết công suất. Thời gian bơm nước gián đoạn dẫn đến ngập úng kéo dài một số khu dân cư ở phường Bình Hàn.
Kênh tiêu bị lấn chiếm
Năm 2014, trạm bơm Bình Hàn được UBND TP Hải Dương nâng cấp từ 5 máy bơm với tổng công suất 5.000 m3 /giờ lên thành 4 máy với tổng công suất 16.000 m3 /giờ. Nước bơm tiêu từ trạm được đưa ra hệ thống kênh xả phía ngoài đê trung ương, nằm giữa khu nuôi thủy sản của các hộ dân. Năm 2018, UBND thành phố tiếp tục đầu tư mở rộng bể hút trạm bơm để tăng khả năng vận hành của máy bơm. Cũng từ đây, việc tiêu úng phát sinh nhiều vấn đề. Khi trạm vận hành 2 máy bơm, nước tiêu thoát về cống không kịp nên thường xảy ra tình trạng vỡ bờ, nước tràn vào các ao nuôi cá của các hộ dân ngoài bãi sông.
Ông Phạm Quang Trung, Đội trưởng Đội Trạm bơm, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương cho biết: "Sau mỗi đợt mưa lớn, công ty yêu cầu trạm vận hành hết công suất để tiêu úng kịp thời thì một số hộ dân nuôi thủy sản ở khu vực ngoài bãi sông ngăn cản. Họ yêu cầu chỉ được bơm 1 máy bơm, nếu vận hành từ 2 máy trở lên sẽ làm vỡ bờ ao nuôi cá. Do chỉ vận hành được 1 máy nên thời gian tiêu úng kéo dài, lượng mưa lớn sẽ làm một số khu dân cư bị ngập úng kéo dài, nhất là các khu dân cư của phường Bình Hàn".
Nguyên nhân của việc tràn bờ, vỡ ao là do hệ thống kênh xả ngoài đê không đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước. Theo thiết kế của trạm, hệ thống kênh tiêu chảy theo 2 hướng ra sông Thái Bình, một phía hướng về 2 cống D1500, phía còn lại hướng về cống D800. Tuy nhiên, hiện không còn hệ thống kênh dẫn về phía 2 cống D1500 do bị các hộ nuôi thủy sản lấn chiếm. Trạm chỉ còn lối thoát nước duy nhất hướng về cống D800 dài khoảng 700 m. Do kênh xả nhỏ, lại là kênh đất, nước tiêu thoát không kịp dẫn đến tình trạng vỡ bờ ao. Gần đây nhất, khi trạm vận hành 2 máy bơm tiêu úng sau trận mưa ngày 1.4.2019, các hộ nuôi cá đã tập trung về trạm và có phản ứng tiêu cực với công nhân vận hành.
Để tiêu úng, công ty đã có văn bản đề nghị UBND TP Hải Dương chỉ đạo các phòng ban phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn các hành vi quấy rối của các hộ nuôi thả cá. Tuy nhiên, đến nay tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết.
Yêu cầu trả lại hiện trạng kênh tiêu thoát nước
Khu vực đất bãi ngoài đê được UBND phường Bình Hàn cho các hộ dân đấu thầu hằng năm. Hiện khu vực này có 17 hộ nuôi thủy sản với tổng diện tích 230.000 m2.
Sau khi nhận được công văn của Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương về việc một số hộ dân có biểu hiện ngăn cản việc vận hành trạm bơm mỗi khi tiêu úng và việc một số hộ nuôi thả cá lấn chiếm kênh xả thuộc trạm bơm Bình Hàn, UBND phường đã kiểm tra, rà soát lại hiện trạng hệ thống kênh thoát nước, cống D800 và 2 cống D1500. Qua kiểm tra thực tế, các tuyến kênh tiêu đã bị một số hộ nuôi thả cá đắp bờ, lấn chiếm vào hệ thống kênh xả khiến cho việc bơm tiêu úng không bảo đảm. UBND phường đã yêu cầu các hộ không có hành vi cản trở việc vận hành máy bơm, nếu cá nhân nào cản trở gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Phường cũng đề nghị Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương phản ánh kịp thời các hộ có hành vi ngăn cản, gây ảnh hưởng đến việc vận hành tiêu úng cần để địa phương xử lý. Ông Vũ Đức Quý, Chủ tịch UBND phường Bình Hàn cho biết: "Trước mắt, UBND phường đề nghị công ty nâng cấp, gia cố bờ kênh để tránh sạt lở mỗi lần tiêu nước. Việc một số hộ nuôi cá lấn chiếm, phường sẽ làm rõ và yêu cầu các hộ khắc phục, trả lại hiện trạng kênh tiêu thoát nước cống D800 và 2 cống D1500".
Trạm bơm Bình Hàn có nhiệm vụ tiêu úng cho khu vực phía bắc đường sắt Hà Nội-Hải Phòng với diện tích khoảng 120 ha. Hiện tại, khi có mưa lớn, trạm bơm Bình Hàn vẫn không thể hoạt động hết công suất, thời gian bơm bị gián đoạn dẫn đến tình trạng ngập úng kéo dài ở một số khu vực của thành phố. Tình trạng này cần được UBND TP Hải Dương chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
TRẦN HIỀN