Mấy năm nay, công việc của bố mẹ tôi ổn định, các cô, các chú cũng khá giả nên không ai muốn ông bà cấy ruộng nữa.
Mấy năm nay, công việc của bố mẹ tôi ổn định, các cô, các chú cũng khá giả nên không ai muốn ông bà cấy ruộng nữa. Dù thèm được ra đồng, được làm bạn với cây lúa, củ khoai nhưng ông bà đã có tuổi, hay đau mỏi xương khớp nên đành bán hết mấy sào ruộng. Ông bà thoát được cảnh chân lấm tay bùn thì con cháu cũng yên tâm. Bếp rơm, bếp củi được thay bằng bếp gas tiện lợi, sạch sẽ nhưng bà nhất định không cho phá cái bếp nhỏ sau nhà. Nơi ấy bà tích rất nhiều củi khô và rơm rạ xin bên hàng xóm. Họ định đốt đi thì bà xin lại. Bà bảo nhất định có lúc cái bếp của bà sẽ có giá trị. Quả nhiên, mùa đông lạnh giá, tôi thích nhất là được chui vào đó ngồi cạnh bà, bên ngọn lửa hồng ấm áp và bế chú mèo mướp lười biếng suốt ngày lim dim cặp mắt.
Sáng sớm, vừa tỉnh dậy, tôi vội choàng áo phao lên người, can đảm ngồi vào bàn học. Bà thường bảo: “Học bài buổi sáng rất dễ thuộc, lại nhớ lâu, phải khổ tận mới có ngày cam lai”. Nhưng cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông khiến tôi nhấp nhổm, chẳng thể ngồi yên. Tôi lò dò xuống bếp, định chất củi đun cho bà siêu nước ấm nhưng bà đã ngồi đó tự bao giờ.
- Vào đây! Vào đây với bà! Rét lắm hả? Hơ tay trên ngọn lửa này sẽ ấm ngay thôi - bà nhìn tôi trìu mến.
Tôi reo lên:
- Ôi! Ấm quá bà ạ! Từ mai con dậy sớm, xuống bếp học bài bà nhé!
Thế là bếp lửa của bà trở thành nơi tôi ôn bài mỗi sáng mùa đông. Bài vừa thuộc cũng là lúc nồi khoai luộc, ngô luộc hay cháo sườn của bà tỏa mùi thơm ngào ngạt. Lăn củ khoai chín giữa hai lòng bàn tay, cảm nhận hơi nóng tỏa ra ấm sực. Tôi lót dạ bằng những món ăn đơn sơ từ căn bếp nhỏ của bà, để cả buổi ngồi học trên lớp không bị cồn cào.
Những buổi chiều mùa đông lạnh giá, đạp xe từ trường về nhà, hai bàn tay lạnh cóng, môi tím lại vì rét, tôi sà ngay vào bếp lửa của bà. Lúc nào bà cũng để bếp âm ỉ, phủ rất nhiều trấu, khi cần ngọn lửa bùng lên chỉ cần thổi phù phù mấy cái. Cả người tôi ấm dần. Hai má ửng hồng. Tôi biết nấu ăn cũng từ căn bếp của bà. Bà dạy tôi nấu cháo, nấu canh, rán chả nem và làm bánh ngô, bánh khoai. Những món bánh ấy ở ngoài chợ, ngoài hè phố cũng bày bán rất nhiều nhưng bánh bà làm là ngon nhất. Bà thường nhắc nhở tôi: “Học gì thì học nhưng là con gái thì phải biết nữ công gia chánh, phải yêu căn bếp nhà mình con ạ!”. Tôi luôn nhớ lời bà dạy và thầm cảm ơn những ngày giá rét đã giúp tôi hiểu được giá trị của bếp lửa bà nhóm mỗi ngày.
Nhờ có bếp lửa của bà mà mùa đông dài lạnh lẽo qua đi rất nhanh. Chẳng còn bao lâu nữa mùa xuân ấm áp sẽ gõ cửa. Tôi háo hức chờ đợi Tết đến để được ngồi bên bếp củi canh nồi bánh chưng cùng bà. Tết năm nào ông cũng tự tay gói bánh chưng và bếp lửa của bà lại được dịp phát huy tác dụng. Bà bảo chỉ có bếp củi ninh bánh chưng thì bánh mới ngon và rền. Vừa canh nồi bánh chưng, tôi vừa nướng khoai, nướng ngô, chờ lúc ngô khoai chín là hít hà thưởng thức. Mẹ thấy tôi mặt mũi đen nhẻm thì bật cười: “Đúng là hay ăn thì lăn vào bếp”. Mẹ không biết rằng những ngày bố mẹ đi làm xa, tôi thường làm bạn cùng chú mèo và bếp lửa của bà để vơi đi nỗi nhớ...
Thời gian trôi đi rất nhanh và tôi sẽ dần khôn lớn, sẽ không ở mãi bên bà nhưng những ký ức về bếp lửa mùa đông đã trở thành một phần tuổi thơ đẹp đẽ và ấm áp trong tôi. Mỗi mùa xuân sang, tôi thầm cầu chúc ông bà luôn luôn mạnh khỏe. Và ước gì bếp lửa của bà được nhóm lên mỗi sáng, mỗi chiều, để những khi tôi trở về, lại được sà vào mà sưởi ấm cả tâm hồn.
VŨ THỊ THANH ANH(Lớp 9A, Trường THCS Nam Hồng, Nam Sách)