Theo một nghiên cứu mới đây, những người béo phì nặng có thể bị giảm 14 năm tuổi thọ do tăng nguy cơ mắc ung thư, bệnh tim, tiểu đường, đột quỵ…
Nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa PLOS Medicine (Mỹ) dựa trên phân tích dữ liệu từ 20 nghiên cứu quy mô lớn trước đó thực hiện trên hàng trăm ngàn người tại Mỹ, Thụy Điển và Úc.
Sau khi loại trừ những người hút thuốc hoặc có tiền sử mắc bệnh, nhóm nghiên cứu đã theo dõi hơn 9.500 người béo phì nặng và 304.000 người có cân nặng bình thường.
Họ phát hiện nguy cơ tử vong nói chung và nguy cơ tử vong do bệnh tật tăng liên tục cùng sự gia tăng chỉ số cơ thể (BMI) ở nhóm bị béo phì độ III.
Trung bình tuổi thọ của những người có BMI từ 40-44,9 bị giảm 6,5 năm; của những người có BMI từ 55-59,9 bị giảm 13,7 năm.
Cari Kitahara thuộc Viện Ung thư quốc gia Mỹ - người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nói trước nghiên cứu của họ, ít người biết đến nguy cơ chết sớm có liên quan đến tình trạng béo phì nặng.
"Với những phát hiện của chúng tôi, dường như béo phì độ III đang gia tăng và có thể sẽ sớm trở thành nguyên nhân chính gây chết sớm" - Patricia Hartge, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Ung thư quốc gia Mỹ, nói.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, kết quả này càng cho thấy sự cần thiết của việc đưa ra các biện pháp can thiệp hiệu quả hơn để đối phó với các vấn đề y tế công cộng ngày càng tăng do bệnh béo phì.
Chỉ số BMI được dùng để đánh giá mức độ gầy hay béo của một người, được tính bằng cân nặng của người đó chia cho bình phương chiều cao (BMI = [trọng lượng cơ thể] / [chiều cao x chiều cao]. Chỉ số BMI từ 18,5-24,9 được xem là bình thường; từ 25-29,9 là thừa cân; từ 30-39,9 là béo phì và trên 40 là béo phì nặng.
TƯỜNG VY