Ngày 16.9, có thêm bệnh nhân bị whitmore do vi khuẩn 'ăn thịt người' được ghi nhận. Vấn đề đang được quan tâm là bệnh có thể lây từ người sang người?
Bé H.B.L. (trú huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) mắc bệnh whitmore đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Bệnh nhân mới nhất vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội ở ngày thứ 10 của bệnh, sốt cao 38-39 độ, liên tục có cơn rét run, đau đầu, mệt mỏi mà không tìm thấy các ổ nhiễm khuẩn hay ápxe, kết quả cấy máu phát hiện bệnh nhân dương tính với bệnh whitmore do vi khuẩn 'ăn thịt người'.
Nhiễm vi khuẩn nhưng không biểu hiện thành bệnh
Theo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, những người dễ mắc bệnh là người bệnh đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh thận hoặc phổi tắc nghẽn mãn tính, người sử dụng corticoid, bệnh nhân ung thư...
Bệnh có thể mắc khi tiếp xúc với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn, hoặc hít phải hạt bụi, hạt nước nhiễm khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc qua xây xước ngoài da.
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh khó lây từ người sang người, nhưng biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng, mỗi thể bệnh có triệu chứng lâm sàng khác nhau nên dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với bệnh lao và các bệnh lý viêm phổi thông thường. Cũng có những trường hợp bệnh nhân bị ápxe cơ, ápxe phần mềm, viêm hạch, viêm xương...
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nhiều người có thể nhiễm vi khuẩn gây căn bệnh này nhưng không biểu hiện thành bệnh (thể mãn tính), bên cạnh đó là 2 thể bán cấp và cấp tính. Tỉ lệ tử vong bệnh nhân thể cấp tính có thể lên tới 50%.
Bệnh nhân H. bị loét ngón chân nên mới bị vi khuẩn “ăn thịt người” xâm nhập - Ảnh: THẮNG DINH
Các nhà khoa học quốc tế cùng bàn
Sau nhiều năm được coi là căn bệnh bị lãng quên, sắp tới sẽ có một hội nghị quốc tế về căn bệnh whitmore được tổ chức vào tháng 10.2019 tại Hà Nội.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở y tế đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân whitmore, bệnh này đã được ghi nhận từ những năm 1950, lưu hành lẻ tẻ tại nhiều tỉnh, thành, 5-10 năm mới có 20 ca bệnh nên được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguy cơ bị lãng quên.
Tuy nhiên, gần đây bệnh gia tăng tại nhiều địa phương. Riêng tháng 8 vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 12 bệnh nhân, 4 người trong đó đã tử vong, 1 nữ bệnh nhân bị vi khuẩn ăn mất phần mềm vùng cánh mũi khiến nhiều người gọi đây là "vi khuẩn ăn thịt người".
Do dễ bị nhầm lẫn với căn bệnh khác và điều trị khá khó khăn nên tỉ lệ tử vong hiện lên tới 40-50% tùy bệnh viện.
Hội nghị quốc tế lần này là hội nghị quốc tế đầu tiên về căn bệnh whitmore được tổ chức tại Việt Nam.
Gia tăng người bệnh ở nhiều địa phương
Hiện có tình trạng gia tăng bệnh nhân whitmore ở nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Thái Nguyên... nên rất nhiều người lo lắng về cách phòng chống căn bệnh này.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, gần đây thời gian ghi nhận bệnh nhân nhiều hơn là tháng 7-11, là thời gian có mưa nhiều, nếu lội bùn, đắp đất và trên da có vết thương hở là cơ hội nhiễm vi khuẩn gây bệnh, vì vậy bảo đảm bảo hộ lao động là cách phòng tránh bệnh rất quan trọng.
Theo Tuổi trẻ