Bệnh viện tư thưa vắng

14/06/2014 08:00

Ở Hải Dương, dù số cơ sở y tế tư nhân khá nhiều nhưng tỷ lệ được đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế lại rất ít.


Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình có trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Những năm qua, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cho phép các cơ sở y tế tư nhân tham gia khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT). Ở Hải Dương, dù số cơ sở y tế tư nhân khá nhiều nhưng tỷ lệ được đăng ký KCB BHYT lại rất ít. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở y tế công lập đều quá tải.

Ít mặn mà với y tế tư nhân

Những ngày giữa tuần, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (TP Hải Dương) có rải rác bệnh nhân đến khám. Đa phần bệnh nhân tập trung ở khu vực KCB BHYT. Bà Nguyễn Thị Hoài Đức ở phố Tuy Hòa (TP Hải Dương) cho biết: "Tôi đăng ký KCB BHYT ở đây được vài năm, thấy chất lượng dịch vụ, tinh thần, thái độ phục vụ khá tốt. Do bị bệnh cao huyết áp nên tôi thường xuyên phải đến đây khám, điều trị". Tuy nhiên, bà Đức băn khoăn không biết có phải do khám bằng BHYT hay không mà thấy thuốc bác sĩ kê uống không đỡ mấy, bà vẫn phải mua thêm thuốc ngoài để sử dụng, có đợt phải lên bệnh viện tuyến trung ương để khám, điều trị.

Tham gia KCB BHYT được 6 năm nay nhưng số đầu thẻ BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình không những không tăng mà còn bị giảm đi. Bác sĩ Nguyễn Hữu Phấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho biết: Không những số thẻ bị giảm mà cơ cấu thẻ cũng không hài hòa. Năm 2013, bệnh viện được phân bổ 50 nghìn thẻ BHYT đều là công nhân ở các doanh nghiệp, do thời gian làm việc nghiêm ngặt nên họ ít đi KCB. Đầu năm 2014, bệnh viện được phân bổ 30 nghìn thẻ nhưng đến nay chỉ còn khoảng 24 nghìn thẻ và hầu hết là cán bộ hưu trí, một số học sinh ở 3 phường: Quang Trung, Trần Phú, Nguyễn Trãi.

Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình có 5 tầng nhưng cũng chỉ sử dụng đến 3 tầng, còn 2 tầng vẫn bỏ không. Với 300 giường bệnh được đầu tư ban đầu nhưng bệnh viện mới chỉ kê 150 giường mà vẫn không sử dụng hết. Trong khi đó, với đội ngũ y, bác sĩ thường trực gồm 176 người (trong đó có 50 bác sĩ) và 12 phó giáo sư, tiến sĩ ở các bệnh viện trung ương, tuyến tỉnh thường xuyên về hỗ trợ, bệnh viện hoàn toàn có khả năng đáp ứng công tác KCB cho nhiều bệnh nhân hơn. Bác sĩ Phấn cũng cho biết thêm, bệnh nhân BHYT là nguồn thu cơ bản của bệnh viện. Trong số hơn 100 lượt bệnh nhân khám mỗi ngày thì hầu hết là bệnh nhân có thẻ BHYT.

Không chỉ bệnh viện tư, mà ở một số phòng khám tư được đăng ký KCB BHYT thì bệnh nhân BHYT cũng là nguồn thu cơ bản. Phòng khám Đa khoa An Bình ở thị trấn Tứ Kỳ (Tứ Kỳ) hiện có gần 8.000 thẻ BHYT đăng ký khám bệnh ban đầu, chưa kể số bệnh nhân BHYT vãng lai hay trái tuyến. Trong gần 6 tháng đầu năm 2014, Phòng khám Đa khoa An Bình đã khám cho gần 9.000 lượt bệnh nhân diện BHYT. Bên cạnh đó, một số phòng khám khác như: Đức Minh, Hồng Châu (Ninh Giang) Tập Hà (Nam Sách), Thanh Bình (TP Hải Dương) cũng có từ 2.000-6.000 thẻ BHYT đăng ký KCB.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Hiện toàn tỉnh có 1 bệnh viện và 5 phòng khám tư nhân đã được ký hợp đồng KCB BHYT với tổng số khoảng 46 nghìn thẻ. Theo ông Nguyễn Trung Quý, Trưởng phòng Giám định BHYT (Bảo hiểm Xã hội tỉnh): “BHYT không bắt buộc bệnh nhân về đăng ký KCB tại các cơ sở y tế tư nhân mà để người bệnh tự lựa chọn nếu thấy phù hợp. Vì thế, các cơ sở y tế tư nhân chưa thu hút được bệnh nhân KCB BHYT và tỷ lệ thẻ BHYT trong khu vực y tế tư nhân hiện chỉ đạt gần 4,2% trên tổng số thẻ đăng ký”.


Các cơ sở y tế tư nhân được ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt.
Trong ảnh: Khám bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế ở  Phòng khám Đa khoa An Bình (Tứ Kỳ)


Đại diện nhiều cơ sở y tế tư nhân cho rằng, để được ký hợp đồng KCB BHYT, các cơ sở y tế tư nhân phải tự bỏ ra kinh phí đầu tư toàn bộ nhằm đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực; đáp ứng nhu cầu KCB thông thường về ngoại khoa, nội khoa, da liễu, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt... Tuy nhiên, số lượng thẻ được phân bố hiện còn quá ít ỏi. Trong chuyển tuyến, việc phối hợp chuyển bệnh nhân đi khá tốt nhưng chưa có bệnh viện công nào chuyển bệnh nhân sang bệnh viện tư. Tình trạng trên khiến cho không ít lãnh đạo cơ sở y tế tư nhân cho rằng, y tế tư nhân đang bị phân biệt đối xử.

Ông Phạm Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Y tế lại cho rằng: "Hiện nay các bệnh viện công lập được trang bị khá hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao. Trong khi đó, các cơ sở y tế tư nhân dù đã được đầu tư nhưng chưa thể cạnh tranh với y tế công lập do chất lượng chuyên môn chưa được người dân tin tưởng. Hơn thế nữa, các cơ sở y tế tư nhân mới chú trọng đầu tư dàn trải đa khoa, chưa thực sự mạnh về các chuyên khoa mà tỉnh ta đang rất cần như: tim mạch, mắt... nên càng khó phát triển". Để tăng cường vai trò của y tế tư nhân trong KCB BHYT, theo ông Tám, các cơ sở cần tuyển được những y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao; nâng cao chất lượng dịch vụ khám, điều trị các chuyên khoa mà tỉnh ta còn chưa mạnh để thu hút được đông đảo bệnh nhân.

PV


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh viện tư thưa vắng