Bệnh viện Nhi quá tải lúc giao mùa

13/09/2012 09:11

Thời điểm giao mùa là điều kiện cho nhiều bệnh bùng phát, trẻ em là đối tượng dễ mắc. Do đó, Bệnh viện Nhi luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân...


Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hải Dương quá tải, phải kê thêm giường ngoài hành lang

Vài ngày gần đây, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Hải Dương luôn chật kín bệnh nhân, trong đó hơn 90% số bệnh nhân mắc tay- chân- miệng (TCM). Khoa có 24 giường bệnh, nhưng số bệnh nhân luôn dao động từ 40 - 50 người. Dù đã phải kê thêm 4 giường bệnh ở dọc hành lang và dành cả phòng nhân viên cho người bệnh, nhưng một số bệnh nhân vẫn phải nằm ghép hai giường một người.

Bác sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, bệnh TCM thường bùng phát vào hai thời điểm trong năm, từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 11. Đúng như dự báo, hiện nay, số bệnh nhân mắc TCM có dấu hiệu gia tăng, mỗi ngày có khoảng 6 - 10 bệnh nhân vào khoa điều trị. Đặc điểm của bệnh khác so với trước là trẻ xuất hiện mụn nước ở miệng nhiều hơn ở tay, chân. Nhiều phụ huynh lầm tưởng là trẻ mọc răng nên chưa chú ý đến vấn đề giữ gìn vệ sinh. Tuy nhiên, số trẻ dương tính với vi-rút EV71 nguy hiểm ít hơn trước, chỉ có khoảng 1-2 ca, hầu hết trẻ mắc bệnh ở mức độ nhẹ (độ 1, 2a). Vì vậy, đến nay, khoa chưa có trường hợp nặng, trẻ chỉ phải điều trị 5 - 7 ngày sẽ được xuất viện. Vấn đề đáng quan tâm là, việc vệ sinh phòng bệnh TCM ở các phụ huynh chưa tốt, nhiều gia đình kiêng thái quá không vệ sinh cho trẻ dẫn đến bệnh càng nặng thêm.

Qua khảo sát, nhiều gia đình khi phát hiện trẻ có dấu hiệu của bệnh TCM thì ngay lập tức chuyển thẳng lên Bệnh viện Nhi Hải Dương. Chị Đặng Thị Vân, mẹ của cháu Trần Duy Bảo Nam, 13 tháng tuổi ở thị trấn Nam Sách đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm cho biết: “Cháu bị sốt 39 - 40oC, uống thuốc tại nhà không khỏi. Khi xuất hiện mụn nước ở lòng bàn chân, tay, gia đình đã đưa ngay đến bệnh viện này”. Chính vì sự vượt tuyến mà hiện nay nhiều bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế cấp xã hầu như không có hoặc có rất ít bệnh nhân TCM điều trị nội trú.

Theo bác sĩ Bùi Văn Chân, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hải Dương, thời tiết giao mùa hè - thu năm nay xuất hiện nhiều loại bệnh “không đúng mùa”. Điển hình như bệnh tiêu chảy thường xuất hiện nhiều vào thời điểm tháng 6 (thường gọi là tiêu chảy mùa hè) thì bệnh lại rải rác từ đầu năm và đến nay, số ca mắc ngày càng tăng. Hiện nay, Khoa Tiêu hóa của bệnh viện có khoảng 25 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Số bệnh nhân điều trị ngoại trú cũng rất đông. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi với triệu chứng điển hình sốt cao, đi ngoài nhiều lần trong ngày, nôn. Nguyên nhân nhiễm bệnh thường do vi - rút hoặc do thức ăn bị ô nhiễm hoặc trẻ không dung nạp được.

Bên cạnh đó, hiện nay, xuất hiện rải rác bệnh nhi mắc sốt phát ban mùa xuân. Bệnh này thường chỉ xuất hiện vào thời điểm giao mùa đông - xuân. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi với biểu hiện sốt, phát ban. Bác sĩ Chân khuyến cáo: “Đối với bệnh tiêu chảy, để phòng bệnh, việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ là quan trọng nhất. Người chăm sóc trẻ phải rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi cho trẻ ăn, sau khi vệ sinh… Bệnh sốt phát ban không phải bệnh sởi nên gia đình không phải kiêng khem nước, gió, trẻ cần được tắm rửa hằng ngày, giữ gìn vệ sinh tốt, bệnh sẽ tự khỏi. Hơn nữa, vào thời điểm giao mùa, gia đình chú ý giữ ấm cho trẻ, thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng”.

Theo bác sĩ Đặng Hữu Thung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: “Hiện nay, nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất cao. Nguyên nhân do diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới phức tạp. Cùng với dịch bệnh TCM, bệnh cúm A/H5N1 có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào do tỉnh ta tiếp giáp với nhiều địa phương, mật độ giao thương lớn. Hay bệnh TCM rải rác từ đầu năm đến nay, nguồn bệnh vẫn ở trong nhân dân nên khả năng bùng phát hoàn toàn có thể xảy ra. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã có công văn chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch. Hệ thống máy móc phun, khử trùng môi trường cần được bảo dưỡng hằng tuần, hóa chất bảo đảm đầy đủ, thường xuyên cấp phát cho các cơ sở. Đội cơ động phòng, chống dịch tỉnh vẫn được duy trì, sẵn sàng hỗ trợ các tuyến bao vây, dập dịch bất cứ lúc nào. Duy trì hoạt động tốt hệ thống trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác xét nghiệm. Việc giám sát, duy trì báo cáo nhanh vẫn thực hiện hằng ngày. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo chuẩn về phòng, chống dịch bệnh TCM ở hai huyện Kinh Môn và Tứ Kỳ, đồng thời hướng tới triển khai quy trình phòng, chống dịch chuẩn tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan rộng.

MINH HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh viện Nhi quá tải lúc giao mùa