Thời tiết mùa hè thuận lợi cho bệnh viêm não vi rút gia tăng. Các chuyên gia y tế cảnh báo, nguy cơ dịch có thể bùng phát nếu không phòng bệnh đúng cách.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm- Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, bắt đầu từ ngày 22 đến ngày 23-6, toàn thành phố sẽ triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản miễn phí cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi. |
Bệnh viêm não vi rút, trong đó có viêm não Nhật Bản và các trường hợp viêm não khác thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ em dưới 10 tuổi, đặc biệt là ở các trẻ chưa có miễn dịch đối với vi rút Arbo gây bệnh. Tuy nhiên các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, không riêng gì trẻ nhỏ mà ngay cả người trưởng thành vẫn có khả năng mắc bệnh.
Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, đến thời điểm hiện tại, cả nước ghi nhận 280 trường hợp mắc viêm não vi rút (bao gồm cả viêm não Nhật Bản và các trường hợp viêm não khác), 4 trường hợp tử vong.
Tại nhiều cơ sở y tế, như Khoa Nhi- Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhi Trung ương, từ cuối tháng 5 đến nay, ghi nhận nhiều trường hợp mắc. Theo bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, hiện cơ sở đã ghi nhận hàng chục bệnh nhi mắc viêm não nhập viện, trong đó nhiều ca viêm não Nhật Bản.
Tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, thời điểm này đang điều trị cho 14 ca viêm não và một ca viêm não Nhật Bản. Đáng chú ý nhiều trường hợp nhập viện muộn, có thể sẽ để lại di chứng nặng nề.
Theo một bác sỹ tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, thời điểm này bệnh viêm não mới bắt đầu “vào mùa”, dự kiến tới đây số trẻ nhập viện do bệnh này sẽ gia tăng.
"Những năm gần đây, mỗi năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 400 - 600 ca viêm não/năm, trong đó 10% là viêm não Nhật Bản. Hầu hết trẻ bị viêm não đều không được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ", vị bác sỹ này cho biết.
Đề cập đến nguyên nhân bệnh dễ bùng phát trong mùa hè, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho rằng, do thời tiết nóng ẩm, muỗi phát triển nhiều, trong khi nhiều người ngại mắc màn khi ngủ đã tạo điều kiện cho muỗi đốt nên nguy cơ mắc bệnh càng cao. Bệnh viêm não vi rút có thể để lại di chứng nặng nề như hôn mê, thiểu năng trí tuệ, liệt thần kinh sọ não, có thể gây tử vong.
Dự phòng là biện pháp cần thiết
Theo các chuyên gia y tế, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não vi rút. Việc điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét... Theo đó, bệnh nhân cần vệ sinh răng miệng, xoay trở để tránh loét do tư thế nằm lâu, nếu có bội nhiễm, cần điều trị bằng kháng sinh. Bệnh nhân cũng cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường thể trạng.
Về phía dự phòng, ông Nguyễn Đắc Phu khuyến cáo, phòng ngừa tốt nhất là tiêm vắc xin. Với viêm não vi rút, phụ huynh bắt đầu đưa trẻ đi tiêm chủng lúc 12 tháng tuổi, hai mũi đầu cách nhau 1 tuần, mũi thứ 3 nhắc lại sau 1 năm. Sau đó cứ 3- 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Tuy nhiên, theo ông Phu, ngoài việc tiêm chủng, biện pháp quan trọng nhất là tuyên truyền rộng khắp trong toàn dân về tác hại của bệnh viêm não vi rút, sự nguy hiểm của muỗi và vai trò của bọ gậy (lăng quăng)- là con đẻ của muỗi, đồng thời phổ biến các biện pháp diệt bọ gậy và muỗi trưởng thành bằng mọi hình thức. Các biện pháp thường áp dụng là khơi thông hệ thống cống rãnh, lấp ao tù, nước đọng sau các trận mưa. Đậy kín các chum vại đựng nước không cho muỗi vào đẻ trứng, thay nước trong lọ cắm hoa hàng ngày, bắt muỗi bằng bẫy, bằng vợt, bằng đèn và áp dụng các biện pháp dùng hóa chất diệt muỗi như phun, tẩm màn và dùng hương xua, diệt muỗi.
"Biện pháp phun hóa chất diệt muỗi là biện pháp rất hữu hiệu nhưng cần tiến hành đồng bộ cho tất cả các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố, không được bỏ sót bất kỳ một gia đình nào để không còn nơi trú ẩn của muỗi. Khi ngủ, cần nằm màn tránh muỗi đốt; nếu màn rách, thủng, cần khâu, vá cẩn thận không cho muỗi chui vào đốt, hút máu", ông Phu nói.
Theo các chuyên gia y tế, thời kỳ khởi phát của bệnh vi rút xuất hiện các triệu chứng như viêm long đường hô hấp trên (sổ mũi, viêm họng, nghẹt mũi, ho...), sốt cao đột ngột (trên 39- 40 độ C) kèm theo đau đầu, đặc biệt là ở vùng trán. Có thể có rối loạn tiêu hóa (đau bụng có kèm theo đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, nôn), nhất là ở trẻ nhỏ. Tiếp đến là thời kỳ toàn phát. Thời kỳ này trẻ có thể xuất hiện ảo giác, kích động, co giật hoặc bị bại, liệt cứng. |