Bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp

22/02/2017 06:28

Thời tiết chuyển mùa, có những diễn biến thất thường là nguyên nhân làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm.



Trẻ bị tiêu chảy do virus Rota có thể bị kiệt sức, suy dinh dưỡng


Nhiều người mắc thủy đậu, tiêu chảy

Từ đầu năm đến nay, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Hải Dương) đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 30 trẻ mắc bệnh thủy đậu. Có trường hợp trẻ nhập viện khi đã có biến chứng viêm da, nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu. Trẻ sơ sinh bị thủy đậu dễ có các biến chứng nặng hơn so với các lứa tuổi khác. Cách đây hơn 1 tuần, chị Đồng Thị Liên ở thị trấn Nam Sách (Nam Sách) bị lây bệnh thủy đậu từ người khác. Khi khỏi bệnh, sức khỏe đã ổn định trở lại cũng là lúc chị Liên thấy đứa con hơn 3 tháng tuổi của mình có những dấu hiệu như ho, sốt nhẹ, trên cơ thể xuất hiện những nốt mụn nhỏ. Khi con sốt cao 39 độ C, chị Liên cho con tới bệnh viện và được các bác sĩ kết luận bị thủy đậu và phải điều trị nội trú. Chị Liên cho biết: “Tôi khá chủ quan vì nghĩ bệnh thủy đậu chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ, đến khi mắc bệnh tôi lại không có những biện pháp phòng ngừa triệt để nên đã lây bệnh sang con”.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận khoảng 100 ca mắc bệnh thủy đậu, tăng hơn 72 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất hiện 3 ổ dịch đều tập trung ở các trường học: Trường Tiểu học Hồng Lạc, Trường Mầm non Thanh Xuân (đều ở huyện Thanh Hà) và Trường Tiểu học Gia Xuyên (Gia Lộc). Không chỉ có nhiều ca mắc hơn, năm nay, bệnh thủy đậu cũng có những diễn biến phức tạp hơn so với các năm trước đó. Trước đây, bệnh thủy đậu thường chỉ xuất hiện ở trẻ dưới 15 tuổi thì năm nay lại xuất hiện rải rác ở người lớn. Người lớn thường chủ quan sẽ không bị bệnh hoặc chỉ đến khi bệnh chuyển nặng mới tới các cơ sở y tế khám và điều trị. Khi người lớn bị thủy đậu dễ có nguy cơ mắc biến chứng như viêm phổi, viêm não cao hơn nhiều so với trẻ em. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có thể sinh con bị dị tật.

Không chỉ có bệnh thủy đậu, năm nay, số bệnh nhân bị tiêu chảy do virus Rota cũng tăng hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Bệnh viện Nhi Hải Dương đang điều trị cho khoảng 50 bệnh nhân bị tiêu chảy do virus Rota (tăng hơn 20 ca so với cùng kỳ năm 2016). Do Khoa Tiêu hóa của bệnh viện đã quá tải nên một số bệnh nhân phải chuyển đến Khoa Truyền nhiễm để điều trị. Theo các y, bác sĩ, bệnh tiêu chảy do virus Rota thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt vào thời điểm chuyển lạnh sang nóng. Năm nay, do thời tiết thất thường, nhiệt độ cao, nắng nhiều nên trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trẻ bị tiêu chảy do virus Rota có thể bị kiệt sức, suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Phòng bệnh đúng cách

Theo các y, bác sĩ, cách tốt nhất để phòng tránh bệnh thủy đậu là tiêm phòng. Vaccine phòng bệnh thủy đậu là loại vaccine dịch vụ. Nếu người dân có nhu cầu tiêm phòng thì có thể đến các phòng tiêm dịch vụ hoặc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố. Một vài ngày trở lại đây, thường có từ 10-15 người đến tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu tại phòng tiêm dịch vụ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong khi trước đó thường chỉ có 2-3 người. Khi có nhiều người bị thủy đậu, chị Lê Thị Yến ở xã An Bình (Nam Sách) quyết định đăng ký tiêm thêm vaccine phòng loại bệnh này để chuẩn bị cho quá trình mang thai. Tuy nhiên, theo các y, bác sĩ, sau khi tiêm phòng, không có nghĩa là sẽ không bị mắc bệnh, bởi hiệu quả của vaccine đạt khoảng 80-90% tùy loại, tùy chất lượng. Khi mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Các trường hợp mắc bệnh cần được cách ly để tránh lây lan trong cộng đồng. Khi mắc bệnh cần làm theo chỉ định của bác sĩ. Việc kiêng gió, kiêng nước khi mắc bệnh thủy đậu là phản khoa học, có thể làm diễn biến của bệnh nặng thêm. 

Nguyên nhân chính khiến trẻ bị mắc tiêu chảy do virus Rota xuất phát từ ăn uống, vệ sinh, môi trường, không khí không bảo đảm an toàn. Để phòng tránh bệnh tiêu chảy do loại virus này cần chú ý đến môi trường sống, nguồn thực phẩm cho tới các vật dụng chứa đựng thức ăn phải bảo đảm sạch sẽ. Trẻ dưới 4 tuổi cần được uống vaccine phòng bệnh.

Giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống xung quanh là những yếu tố cơ bản để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm đang có nguy cơ lây lan trong thời điểm này.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp