Bệnh tiêu chảy do virus Rota diễn biến trái quy luật

08/11/2019 16:20

Tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Hải Dương những ngày đầu tháng 11, lượng trẻ em mắc tiêu chảy, đặc biệt là tiêu chảy do virus Rota tăng đột biến.


Thăm khám cho trẻ mắc tiêu chảy do virus Rota tại Bệnh viện Nhi Hải Dương

Ngày 8.11, khoa điều trị cho 34 trẻ mắc tiêu chảy do virus Rota, 16 trẻ mắc tiêu chảy thông thường.

Trẻ mắc bệnh chủ yếu từ 1-2 tuổi, nhập viện trong tình trạng nôn, đi ngoài mất nước, sốt cao... Nhiều gia đình đã tự ý mua thuốc điều trị tại nhà không thấy đỡ mới đưa trẻ đến bệnh viện. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Nghiệp, Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Hải Dương, bệnh tiêu chảy do virus Rota năm nay xuất hiện rải rác từ đầu năm chứ không theo quy luật vào mùa thu đông (khoảng tháng 10 và tháng 11) như mọi năm. Năm nay, lượng trẻ vào viện tăng gấp đôi so với năm ngoái, nhiều trẻ mắc bệnh nặng hơn do gia đình tự ý điều trị tại nhà như điều trị tiêu chảy thông thường sau khi không đỡ mới đưa đến bệnh viện. Trong tháng 10 có ngày cao điểm khoa tiếp nhận 15 cháu mắc tiêu chảy do virus Rota. Chị Lê Thị Lương ở xã Hùng Thắng (Bình Giang) là mẹ của cháu Nguyễn Đức Bảo Anh (13 tháng tuổi) điều trị tại Khoa Tiêu hóa đã 8 ngày. Chị Lương cho biết: “Ở nhà cháu sốt cao, đi ngoài liên tục hàng chục lần một ngày. Sau 3 ngày tự ý điều trị cho cháu ở nhà bằng men tiêu hóa và một số thuốc khác bên ngoài không đỡ, gia đình mới đưa cháu đến bệnh viện”.

Tiêu chảy cấp do virus Rota là bệnh phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, nhưng trẻ có thể mắc bệnh rất sớm, từ 6 - 24 tháng tuổi, thậm chí từ 3 tháng tuổi. Bệnh thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt và nôn ói, sau đó là tiêu chảy. Trong giai đoạn bệnh, trẻ có thể chán ăn và bị mất nước do một lượng lớn nước đào thải ra ngoài khi nôn ói, đi ngoài. Bệnh này lây truyền khá mạnh qua đường tiêu hóa, thậm chí người lớn mắc khi tiếp xúc với những chất dịch nôn, phân… của người bệnh. Virus Rota có 4 chủng G1P8, G3P8, G4P8, G2P4 nên trẻ mắc bệnh một lần vẫn có thể tái diễn mắc tiếp các chủng khác. Tuy nhiên, trẻ thường mắc nhiều nhất là chủng G1P8 và chúng ta có thể phòng bệnh bằng việc uống vaccine phòng bệnh.

“Thực tế tại khoa có nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh nặng gia đình mới đưa vào khoa nên trẻ mất nước khá nhiều, rối loạn điện giải. Trẻ mắc bệnh nặng sẽ kéo dài thời gian điều trị, việc bổ sung nước và cân bằng điện giải cho trẻ sẽ mất nhiều công sức, thời gian. Bệnh tiêu chảy do virus Rota có biểu hiện khác với tiêu chảy thông thường là diễn biến của bệnh nhanh, khả năng gây biến chứng cao, đặc biệt ở lứa tuổi bé đang bú mẹ", bác sĩ Nghiệp cho biết thêm.

Để tránh mang bệnh, cha mẹ nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi thay tã lót hoặc làm vệ sinh cho trẻ. Không để trẻ bò lê la trên sàn nhà hoặc ngậm tay, ngậm đồ chơi. Lau rửa sàn nhà và các vật dụng, bàn ghế, đồ chơi bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B; lau rửa sàn nhà vệ sinh, bồn cầu sau khi trẻ tiêu chảy đi vệ sinh. Tã lót của trẻ bị bệnh phải được cho vào bao nilon, cột kín rồi vứt vào thùng rác. 

ĐỨC THÀNH

(0) Bình luận
Bệnh tiêu chảy do virus Rota diễn biến trái quy luật