Mới tháng 3 nhưng số mắc tay chân miệng đã ở mức 1.700-1.800 ca mới/tuần, gần tương đương thời điểm đỉnh dịch năm 2011.
Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức |
Ông Nguyễn Văn Bình, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay Bộ Y tế đã hướng dẫn kỹ về điều kiện công bố dịch tay chân miệng, sở y tế có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh thành trong trường hợp không kiểm soát được dịch.
Vừa lo dự phòng, vừa lo điều trị
Mật độ muỗi gây sốt xuất huyết ở mức cao Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, tính từ đầu năm đến nay cả nước có 7.200 ca mắc sốt xuất huyết, 5 ca tử vong. Mật độ muỗi gây dịch đang ở mức cao 1 con/nhà. Theo Cục Y tế dự phòng, các địa phương Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP.HCM, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp sẽ là những khu vực có số ca mắc sốt xuất huyết cao trong năm nay. |
Khảo sát tại tỉnh Bình Dương, một trong những khu vực có số mắc tay chân miệng cao trong chín tuần đầu 2012, cho thấy địa phương đã có những động thái chống dịch (như họp tổ dân phố ba tháng/lần).
Tuy nhiên khi khảo sát tại hộ gia đình có con nhỏ dưới 5 tuổi thì bà mẹ, người chăm sóc trẻ, chưa biết biện pháp rửa tay sạch thường xuyên cho trẻ và người chăm sóc bằng xà phòng và nước sạch là biện pháp phòng dịch. Hỏi đến xà phòng rửa tay thì gia đình... không có, trong khi đến 71% người lành trong vùng dịch mang virút và trên 70% số mắc tay chân miệng là mắc tại gia đình và cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Bình cho biết hiện ở Hải Phòng, Hà Nội (miền Bắc), Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi (miền Trung) và Đồng Tháp, An Giang, Bình Dương, TP.HCM (miền Nam) là những khu vực đáng lo ngại nhất về số mắc tay chân miệng mới. Năm 2011 cả nước có 112.000 ca và 169 ca tử vong, “kỷ lục” về số mắc, số tử vong do bệnh tay chân miệng tính từ năm 2003 khi VN xuất hiện ca bệnh tay chân miệng đầu tiên.
Nhưng với tình hình dịch từ đầu năm trở lại đây, ông Trần Thanh Dương, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhận định số mắc tương đương với năm 2011 đã là chống dịch hiệu quả. Chỉ hi vọng số tử vong sẽ giảm so với năm 2011 do nhân viên y tế các tuyến đã có tập dượt với phác đồ điều trị cập nhật và có kinh nghiệm điều trị từ mùa dịch 2011.
Theo ông Dương, hai điểm cần tập trung hiện nay là dự phòng chống dịch bằng truyền thông rửa tay sạch, ăn uống sạch, ở sạch, xử lý ổ dịch, và tập dượt về điều trị để giảm tối đa tử vong.
“Bệnh viện cần dự trữ Gamma Globulin để điều trị khi có bệnh nhân tay chân miệng nặng, tránh phải chuyển tuyến vì không có thuốc và bệnh nhân tử vong dọc đường” - ông Dương yêu cầu.
Tỉ lệ nhiễm virút EV71 của trẻ TP.HCM rất cao
Ngày 20-3, trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng tiếp tục diễn biến phức tạp, với vai trò là tuyến cuối của các bệnh truyền nhiễm ở khu vực phía Nam, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức hội nghị khoa học với các chia sẻ kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh tay chân miệng của ba bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Sở Y tế TP.HCM nhận định diễn biến bệnh tay chân miệng năm nay phức tạp hơn cả năm 2011. Bệnh dịch đến sớm hơn bảy tuần và xuất hiện rộng khắp 60/63 tỉnh thành. Riêng tại TP đã có 65% số phường xã có ca bệnh. Trẻ dưới 5 tuổi chiếm tỉ lệ mắc 96,5%.
Trả lời câu hỏi tại sao bệnh tay chân miệng tăng đột biến trong năm 2011 và tiếp tục tăng ở những tháng đầu năm 2012, TS Trần Ngọc Hữu - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - phân tích: “Có thông tin cho rằng các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cứ mỗi 2-4 năm lại bộc phát dịch lớn, tuy nhiên các số liệu từ năm 2008-2011 cho thấy chưa đủ để kết luận có tồn tại chu kỳ dịch như thế. Về sự thay đổi của tác nhân gây bệnh, dịch tay chân miệng tại VN trong năm 2011 chủ yếu do virút EV71 type C4, nhưng đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho rằng chưa có bằng chứng đầy đủ về sự khác biệt độc lực của các type gây bệnh” - ông Hữu nói.
Một nguyên nhân khác là do chưa có thuốc đặc trị và văcxin nên biện pháp phòng chống còn rất nhiều hạn chế. Theo TS H Rogier van Doorn - thuộc chương trình OUCRU (Anh) - trong một nghiên cứu trên 200 trẻ sơ sinh tại TP.HCM cho thấy 55% mẫu máu dây rốn chứa kháng thể trung hòa EV71, kháng thể này giảm nồng độ đến mức 98% không phát hiện được khi trẻ được 6 tháng tuổi. Ở trẻ từ 5-15 tuổi, tỉ lệ huyết thanh dương tính với kháng thể trung hòa EV71 là 84%. Có nghĩa tỉ lệ nhiễm EV71 ở TP.HCM rất cao với trên 80% trẻ từng tiếp xúc với EV71 trước khi đến tuổi thanh thiếu niên.
TS.BS Tăng Chí Thượng - giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - cho biết tuần này hội đồng thẩm định Bộ Y tế sẽ họp và thông qua cẩm nang mới điều trị bệnh tay chân miệng do các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh nhiệt đới TP.HCM biên soạn và trình dự thảo. Cẩm nang mới với tập hợp đầy đủ tất cả phác đồ, lưu đồ, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức điều trị...
Chiến dịch quốc gia rửa tay bằng xà phòng đã phát động hôm đầu tháng 3. Mục tiêu của Bộ Y tế là các nguồn ngân sách và hỗ trợ sẽ cấp miễn phí 5 triệu bánh xà phòng rửa tay cho các gia đình có con dưới 5 tuổi.
Xét nghiệm EV71 IgM giúp chẩn đoán nhanh Tiêu chuẩn vàng là “phân lập virút” từ bệnh phẩm phết họng hay dịch bọng nước. Kết quả phân lập chỉ có sau 2-4 tuần, cho nên chỉ có ý nghĩa dịch tễ học, tầm soát vụ dịch mà không hữu ích cho điều trị thực tế. Xét nghiệm CVA16 và HEV71 IgM-capture ELISAs là những xét nghiệm miễn dịch nhanh, giúp thầy thuốc lâm sàng có thêm công cụ định hướng và chẩn đoán sớm. Nguyên lý của các xét nghiệm này là khi virút tay chân miệng (CVA16 và EV71) vào cơ thể, nó sẽ kích hoạt hệ miễn dịch người bệnh sản sinh các kháng thể (IgM)... Càng ở lâu trong cơ thể lượng kháng thể được sản sinh càng lớn. Hiện đã có những xét nghiệm ELISA (IgM - capture ELISAs, miễn dịch liên kết enzyme) với độ nhạy khá cao, có thể phát hiện rất sớm bệnh tay chân miệng ngay trong ngày đầu. Đặc biệt, xét nghiệm SD EV71 IgM giúp sàng lọc nhanh virút HEV71 là loài gây ra bệnh tay chân miệng với các biến chứng thần kinh chết người. TS.BS TRẦN BÁ THOẠI (BV Hoàn Mỹ, Đà Nẵng) |
Lan Anh - Quốc Ngọc (TT)