Để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, mỗi người dân cần quan tâm đến khẩu phần ăn phải bảo đảm đủ 3 chất sinh năng lượng gồm protein, lipit, gluxit.
Các hội thi mâm cơm dinh dưỡng là một kênh để trang bị kiến thức cho những người nội trợ
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp, ung thư... gia tăng ở người lớn, sự phát triển thiếu cân bằng ở trẻ nhỏ. Tình trạng này xảy ra ở cả thành thị và nông thôn.
Sinh bệnh vì... thừa chất"Thấy cháu ăn ngon miệng nên tôi không nghĩ rằng ăn nhiều như vậy lại ảnh hưởng đến sức khỏe của con”. |
|
Mới đây, chị Nguyễn Thị Thành ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) đưa con gái 10 tháng tuổi đi khám do bị tiêu chảy. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị rối loạn tiêu hóa nhưng chị Thành ngạc nhiên hơn khi bác sĩ cho biết cháu còn bị suy dinh dưỡng thể béo phì. Khi sinh ra cháu đã được 4,5 kg và tiếp tục tăng cân đều đặn hằng tháng, đến nay cháu đã được 13 kg. Vui mừng vì nhìn con bụ bẫm, chị Thành không nghĩ rằng con mình lại bị suy dinh dưỡng, thiếu can xi, còi xương. Bác sĩ cũng cho biết tình trạng thừa cân béo phì như vậy rất có hại cho sức khỏe của trẻ bởi nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp... rất lớn. Chia sẻ về cách chăm sóc con, chị Thành cho biết: "Ngoài 3 bữa cháo trong ngày, tôi bổ sung thêm cho cháu sữa bột, váng sữa, sữa chua, pho mai, hoa quả. Trộm vía, thấy cháu ăn ngon miệng nên tôi không nghĩ rằng ăn nhiều như vậy lại ảnh hưởng đến sức khỏe của con".
Việc chăm con thái quá cũng là căn bệnh chung của nhiều bà mẹ trẻ hiện nay. Bên cạnh chế độ ăn quá nhiều thịt, cá nhưng lại ít rau, nhiều bà mẹ còn bổ sung cho con các chế phẩm từ sữa rất nhiều năng lượng như váng sữa, pho mai... mà không chú ý liều lượng hợp lý. Thừa chất nhưng lại không đủ dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện của trẻ là một nghịch lý thường gặp trong thời đại ngày nay.
Ở người lớn, những nguy cơ bệnh tật do chế độ ăn uống không hợp lý càng nhìn thấy rõ hơn. Các bệnh gout, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp... vốn thường xảy ra ở những người trung niên và cao tuổi thì nay trở nên phổ biến ở cả những người trẻ tuổi. Vừa khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, anh Vũ Xuân Kiêm 32 tuổi ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) rất lo lắng vì kết quả cho thấy anh mắc nhiều bệnh, ngoài gan nhiễm mỡ, viêm dạ dày, bác sĩ còn dặn phải theo dõi bệnh đái tháo đường, gout. Do công việc kinh doanh nên những bữa ăn thịnh soạn, thừa chất khi chiêu đãi khách hàng thường xuyên trở thành bữa ăn chính của anh. Hơn nữa, anh Kiêm cũng không có thời gian để luyện tập thể dục thể thao. Dù có béo lên trông thấy nhưng sức khỏe anh lại giảm đi rõ rệt. Những bữa ăn quá đủ đầy như vậy lại trở thành con dao hai lưỡi gây hại cho sức khỏe.
Kinh tế phát triển, đời sống của người dân ngày càng khá giả nên các bữa ăn cũng thịnh soạn hơn. Nhu cầu của người dân không chỉ dừng lại ở "ăn no mặc ấm" mà hướng tới "ăn ngon mặc đẹp". Trên bàn ăn, dù trong gia đình hay khi ra nhà hàng thì điều dễ nhận thấy là các món ăn bổ dưỡng, nhiều chất béo luôn chiếm đa số. Việc cân bằng các chất dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu của cơ thể hiện chưa được coi trọng.
Cần kiểm soát dinh dưỡng hợp lýTheo thông tin từ Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% số người chết hằng năm, trong đó đứng đầu là tử vong do tim mạch (33%) và thứ hai là do ung thư (18%). Chế độ dinh dưỡng không hợp lý chính là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng các căn bệnh trên. Hiện khẩu phần ăn của người Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Tỷ lệ chất béo trong khẩu phần ăn đã tăng gấp đôi so với 20 năm trước, là một trong những nguyên nhân chính gây nên các bệnh mãn tính, béo phì. Khu vực thành phố có xu hướng tiêu thụ chất béo cao hơn nông thôn đến 20%. Lượng thịt cá tiêu thụ trong bữa ăn của người Việt đã tăng gấp rưỡi nhưng rau xanh lại giảm.
Ở tỉnh ta, ngành y tế chưa có số liệu thống kê về tổng số bệnh nhân đang mắc hoặc tử vong do các bệnh không lây nhiễm gây ra. Tuy nhiên, một số dự án liên quan đến các bệnh không lây nhiễm cũng cho thấy những con số báo động. Từ năm 2011 đến nay, dự án phòng chống bệnh đái tháo đường được triển khai ở 2 phường Nguyễn Trãi và Quang Trung (TP Hải Dương). Thời điểm phát hiện và quản lý nhiều nhất ở 2 phường lên tới hơn 400 người bệnh. Bên cạnh đó, qua thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm các tuyến y tế cũng khám, điều trị cho gần 20.000 lượt bệnh nhân bướu cổ, hơn 30.000 bệnh nhân cao huyết áp.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Bộ môn dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương cho biết, thông qua đánh giá chỉ số BMI (chỉ số cơ thể) khi bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện, có thể xác định mức độ thừa cân, béo phì hoặc quá gầy. Để đánh giá sâu hơn những nguy hại từ chế độ dinh dưỡng không hợp lý thì phải thực hiện các xét nghiệm. Thực tế, nhiều bệnh nhân mắc đái tháo đường, tăng huyết áp đến khám, điều trị có những chia sẻ về chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng, trong đó nhiều trường hợp lạm dụng thức ăn sẵn, khẩu phần ăn dư thừa lipit, protein... hay ít tiêu hao năng lượng (ít vận động).
Để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, theo bác sĩ Mai, mỗi người dân cần quan tâm đến khẩu phần ăn phải bảo đảm đủ 3 chất sinh năng lượng gồm protein, lipit, gluxit. Đối với mỗi độ tuổi và hình thức lao động cần có sự điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho phù hợp. Bên cạnh đó cần kết hợp với lối sống lành mạnh, hạn chế rượu bia, tăng cường luyện tập thể dục thể thao để bảo đảm sức khỏe một cách tốt nhất.
MINH HẠNH