Bệnh nhân Covid-19 số 867 quê Hải Dương đã đi qua nhiều phòng khám, bệnh viện với các triệu chứng sốt, tức ngực mà không được sàng lọc, phân loại sớm. Người đàn ông này cũng bị "bỏ lọt" khi khám bệnh tại một bệnh viện ở Hà Nội.
Bệnh nhân 867 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
Ngày 14.8, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý, khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có công văn nhắc nhở toàn ngành liên quan đến việc bệnh viện ở Hà Nội bỏ lọt bệnh nhân Covid-19.
Theo đó, ca mắc thứ 867 đã đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Thanh Nhàn khám. Sau hai lần được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và Bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu, đến ngày 11.8 có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho biết sau khi nhận được báo cáo và phân tích ca bệnh này, Cục Quản lý khám, chữa bệnh hoan nghênh và biểu dương Bệnh viện Thanh Nhàn đã đề cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm các hướng dẫn sàng lọc, phân luồng, cách ly phòng chống dịch Covid-19. Việc sàng lọc đúng, chỉ định xét nghiệm sớm và kỹ lưỡng 2 lần (lần đầu kết quả âm tính) đã tránh được bệnh viện lớn của Thủ đô nguy cơ bị phong tỏa và bệnh dịch lây lan ra cộng đồng.
Liên quan đến ca bệnh này, Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đề nghị Cục Quân y - Bộ Quốc phòng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và các bệnh viện thuộc bộ, ngành có người bệnh đến khám cần khẩn trương rút kinh nghiệm việc sàng lọc, phân luồng, cách ly, lấy bệnh phẩm xét nghiệm và quản lý các ca nghi nhiễm Covid-19, tuyệt đối không để người nghi nhiễm tự ý di chuyển.
Bộ Y tế cũng yêu cầu toàn bộ bệnh viện trên toàn quốc cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ bài học của hai bệnh viện trên, thực hiện nghiêm các công điện và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế ban hành.
Hiện bệnh nhân 867 đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương). Chức năng phổi của bệnh nhân tổn thương khoảng 60%. Bệnh nhân đáp ứng với biện pháp thở máy không xâm nhập, giảm sốt, tình trạng hô hấp đã cải thiện nhưng mức độ cải thiện ít.
Trước đó, theo lời khai dịch tễ, từ ngày 27.7, bệnh nhân 867 (địa chỉ tại Hải Dương) xuất hiện nấc, tức ngực, đi khám tại phòng khám tư và được chẩn đoán bị trào ngược dạ dày.
Đến ngày 30.7, bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ, không điều trị gì. Ngày 1.8, bệnh nhân về quê tại huyện Bình Giang bằng xe riêng. Ngày 2.8, ông tiếp tục sốt, gia đình đã mời một cán bộ Trạm Y tế Bình Minh (Bình Giang, Hải Dương) đến khám bệnh và điều trị tại nhà.
Đến ngày 8.8, gia đình thuê xe riêng đưa ông lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) khám, chụp phim X-quang, ông được chẩn đoán viêm phổi. Theo thông tin từ bệnh viện, bác sĩ điều trị đã giải thích cho bệnh nhân về việc chuyển tuyến nhưng sau đó bệnh nhân về thẳng nhà con gái là chủ quán bia hơi Lộc Vừng, địa chỉ TT3.13, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội và nghỉ qua đêm ở đó.
Nửa đêm 9.8, bệnh nhân mệt nhiều, sốt 38 độ C, tức ngực, khó thở, được gia đình chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn bằng ô tô riêng. Sau khi chụp X-quang, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng. Bệnh nhân đã được Bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Lần đầu cho kết quả âm tính nhưng hình ảnh chụp phim phổi vẫn thấy nghi ngờ nên bệnh viện tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 2 vào ngày 11.8 và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Cùng ngày, CDC Hà Nội đã xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này và cũng cho kết quả dương tính.
Tại Hải Dương, sáng 14.8, đã phát hiện thêm 3 ca Covid-19 khác liên quan bệnh nhân 867 (cùng làm việc tại nhà hàng Thế giới Bò tươi, TP Hải Dương).
Theo báo Người lao động