Bệnh nhân chạy thận lao đao vì thiếu máy

13/05/2018 18:15

Số lượng bệnh nhân có nhu cầu chạy thận ngày càng tăng trong khi hầu hết những cơ sở y tế có máy chạy thận trên địa bàn tỉnh đều thiếu máy dẫn đến quá tải.


Bệnh nhân chờ đợi vào ca chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa TP Hải Dương

Bệnh nhân chạy thận vốn đã mệt mỏi vì bệnh tật lại thêm chờ đợi đến lượt, vất vả ngược xuôi tìm nơi chạy chữa.

Chất độc hại tích tụ trong cơ thể bệnh nhân, huyết áp tăng cao, chất lỏng dư thừa ứ tắc. Khi đó, chạy thận nhân tạo là giải pháp phổ biến nhất giúp bệnh nhân duy trì và kéo dài thời gian sống, nhất là đối với bệnh nhân bị suy thận cấp tính, mạn tính, suy thận ở giai đoạn cuối. Trừ trường hợp bệnh nhân được thực hiện ghép thận, nếu không sẽ phải chạy thận suốt đời. Nếu các khoa, phòng khác tình trạng bệnh nhân đông hoặc quá tải có thể chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn sau đó sẽ giảm đi thì đặc thù của khoa chạy thận nhân tạo là lượng bệnh nhân ngày càng đông hơn.

Khoa Thận - Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) hiện có 30 máy chạy thận hoạt động hết công suất với tần suất 3 ca/ngày, bắt đầu từ khoảng 6 giờ và kết thúc vào lúc 21 giờ. Khoa đang điều trị cho 165 bệnh nhân theo chu kỳ và 20-25 bệnh nhân nội trú. Theo bác sĩ Trưởng khoa Nguyễn Thị Hường, số máy chạy thận như hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân. Máy chạy 3 ca vào các ngày trong tuần, ngoại trừ chủ nhật dành thời gian bảo trì. Bệnh nhân chạy thận ngày càng tăng lên trong khi số máy móc không tăng đã dẫn đến quá tải. Hiện khoa không còn khả năng đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân mới. Từ năm ngoái, trừ các trường hợp nặng phải cấp cứu, khoa đã phải từ chối nhận thêm bệnh nhân. Khoảng 40-50 bệnh nhân bị khoa từ chối buộc phải tìm đến các cơ sở y tế khác để chạy thận. Nhưng trên thực tế, đa số các cơ sở y tế có máy chạy thận đều rơi vào tình trạng quá tải như ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhiều người phải tìm đến các tỉnh, thành phố khác để điều trị.

Các bệnh viện có máy chạy thận nhân tạo trong tỉnh đều quá tải. Trong ảnh: Điều trị cho bệnh nhân chạy thận tại Khoa Thận - Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)


Cụ Nguyễn Thị Tuất ở xã Kim Giang (Cẩm Giàng) năm nay 81 tuổi phát hiện bị suy thận cách đây 5 năm. Trong khoảng 1-2 năm trở lại đây, bệnh của cụ đã nặng hơn nên thường xuyên phải lọc máu. Đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng bệnh viện không nhận thêm bệnh nhân, vậy là cụ cùng với các con phải tiếp tục hành trình ngược xuôi tới nhiều bệnh viện ở Hà Nội, Hải Phòng. Bà Lê Thị Hường, con của cụ Tuất chia sẻ: “Mẹ tôi tuổi cao, sức khỏe yếu, bệnh nặng lại thường xuyên phải tìm nơi chạy chữa, gia đình cũng rất khổ sở, chi phí đi lại, ăn ở cũng tăng lên”. Mãi đến cách đây khoảng 2 tháng, Khoa Thận-Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh thông báo vừa có bệnh nhân qua đời, cụ Tuất do tuổi cao, sức yếu nên được khoa ưu tiên nhận vào điều trị. 

Anh Vũ Huy Đang ở xã Quang Khải (Tứ Kỳ) mới 21 tuổi nhưng bị suy thận mạn độ 5, bệnh đã đến giai đoạn cuối. Cuối tháng 2 vừa qua, anh Đang phải nằm điều trị gần 3tuần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Về nhà chưa được bao lâu, giữa tháng 3, anh lại phải lên bệnh viện điều trị gần 1 tuần. Theo các bác sĩ, anh Đang phải chạy thận 1 tuần 3 lần thì mới có thể duy trì sự sống. Do lịch chạy thận cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã quá tải nên các bác sĩ cho anh Đang xuất viện và đề nghị gia đình liên hệ với các bệnh viện khác trong tỉnh có máy chạy thận để điều trị. Bệnh viện chỉ tiếp nhận trong trường hợp anh Đang nguy kịch phải cấp cứu. Hành trình chữa bệnh của anh Đang càng thêm mệt mỏi vì phải tìm đến hầu hết các bệnh viện có máy chạy thận trong tỉnh nhưng nơi nào cũng quá tải. Khi tưởng như không còn hy vọng thì anh may mắn được Bệnh viện Đa khoa Gia Lộc tiếp nhận vào điều trị, nơi đây cũng khá gần nhà nên anh cũng đỡ phải vất vả đi lại.

Hiện trong tỉnh có 5 đơn vị thuộc Sở Y tế có máy chạy thận nhân tạo gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa các huyện Ninh Giang, Gia Lộc, TP Hải Dương và Bệnh viện Đa khoa khu vực Nhị Chiểu (Kinh Môn). 

Để khắc phục tình trạng quá tải trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đề nghị Sở Y tế cấp thêm trang thiết bị, máy móc. Các bệnh viện thường xuyên tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc ở khoa, phòng chạy thận nhân tạo để phục vụ tốt hơn công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh nhân chạy thận lao đao vì thiếu máy