Những ngày gần đây, lượng bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp tăng đột biến gây quá tải tại Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Hải Dương.
Đa số trẻ nằm điều trị tại Khoa Hô hấp bị viêm phổi nặng
Nhiều trẻ chỉ trong vòng 1 tháng đã được xuất viện lại mắc các bệnh hô hấp khác phải quay trở lại điều trị.
Bệnh viện Nhi Hải Dương đang điều trị cho hơn 400 bệnh nhân, trong đó trên 100 trẻ mắc các bệnh về hô hấp. Trung bình mỗi ngày có từ 10 - 15 trẻ vào Khoa Hô hấp điều trị. Ngày cao điểm, khoa có tới 95 bệnh nhân. So với thời điểm này năm trước, lượng trẻ nhập viện liên quan đến đường hô hấp tăng đột biến. Để tránh bệnh nhân phải nằm ghép, khoa đã dồn 2 phòng lớn của nhân viên làm việc kê thêm 15 giường bệnh, nâng tổng số lên 75 giường.
Chỉ trong gần một tháng, đây là lần thứ hai gia đình chị Phạm Thị Thắm ở Tân Hưng (TP Hải Dương) phải cho cháu Đào Vương Hải nhập viện. Lần thứ nhất gia đình chị đưa cháu vào viện do viêm phế quản và mới đây lại phải cho cháu nằm viện do viêm amidan mủ. Sau khi điều trị khỏi về lần một, vài ngày sau cháu Hải cứ 3 tiếng lại sốt cao một lần, quấy khóc, gia đình chị tự cho cháu uống thuốc hạ sốt 2 lần nhưng chỉ một lúc cháu lại sốt cao, nên gia đình lại phải đưa con vào viện.
Theo bác sĩ Chu Thị Bích Ngọc, Phó Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Hải Dương, bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ xuất hiện rầm rộ những ngày giữa tháng 9 đến nay. Thông thường thời điểm các tháng 9 - 10 là đỉnh điểm của các bệnh liên quan tới đường hô hấp. Đây là thời điểm thời tiết giao mùa, nhiệt độ trong ngày thay đổi đột ngột, ngày nóng, đêm lạnh, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển mạnh. Đối với trẻ nhỏ dễ mắc bệnh do khả năng miễn dịch, sức đề kháng kém. Khi virus gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, đường hô hấp trên, hô hấp dưới bị nhiễm khuẩn, trẻ sẽ có biểu hiện khò khè, ho, sổ mũi. Nhiều phụ huynh không để ý tới việc vệ sinh mũi họng cho bé nên bệnh diễn biến nặng. Thực tế, đa số trẻ đang nằm tại Khoa Hô hấp bị viêm phổi nặng. Nhiều gia đình tự ý ra cửa hàng dược mua thuốc điều trị và đi khám tại phòng khám tư, sau vài ngày bệnh không thuyên giảm, trẻ vẫn khò khè nhiều, thở nhanh, sốt cao liên tục, thậm chí co giật mới cho trẻ nhập viện trong tình trạng cấp cứu.
Theo các bác sĩ, nếu trẻ chỉ ho, sốt, sổ mũi mà vẫn ăn, chơi bình thường thì cha mẹ có thể theo dõi tại nhà và phải tuân thủ theo đơn điều trị của bác sĩ các phòng khám. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị cho trẻ tránh tác dụng phụ, giảm miễn dịch của trẻ, thậm chí gây nguy hiểm khi thuốc phản ứng với cơ thể của bé. Đối với trẻ nhỏ, trẻ đẻ nhẹ cân khi phát hiện các biểu hiện bất thường như ăn uống, bú kém, bỏ bữa, sốt không rõ ràng cần phải đưa tới bác sĩ khám và tư vấn. Nhằm phòng bệnh cho trẻ trong thời tiết chuyển mùa, nên vệ sinh mũi, họng đúng cách, giữ ấm cơ thể cho trẻ, khi trẻ ra mồ hôi trộm ở lưng cần được lau khô ngay tránh để trẻ bị nhiễm lạnh. Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, thường xuyên mở cửa phòng thông thoáng để không khí được lưu thông và tránh các tác nhân gây bệnh sinh sôi. Bảo đảm đủ dinh dưỡng, uống đủ nước và vệ sinh cho trẻ trong thời tiết giao mùa, tiêm phòng đầy đủ vaccine theo chỉ định của ngành y tế.
ĐỨC THÀNH