Theo Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương Nguyễn Trần Hiển, bệnh ho gà rất dễ lây nhưng không có nguy cơ xảy ra dịch lớn vì tỷ lệ tiêm chủng đạt cao.
Nhân viên y tế điều trị cho trẻ mắc bệnh ho gà tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Một tháng trở lại đây, một số bệnh viện tại Hà Nội ghi nhận rải rác trẻ mắc ho gà.
Bệnh viện Nhi Trung ương hiện ghi nhận 9 trẻ mắc ho gà, trong đó có 5 ca tại Hà Nội, còn lại các ca bệnh đến từ Hà Nam, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc.
Được biết, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận một ca ho gà vào điều trị và đã được xuất viện.
Phó giáo sư Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, số trẻ mắc năm nay so với năm trước không tăng trội. Năm ngoái, trong cả năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 trẻ mắc bệnh ho gà.
Phó giáo sư Hải cho hay, điểm chung của các trẻ mắc bệnh ho gà năm nay đa phần là trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng, chiếm tỷ lệ từ 80-90%.
Bệnh ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…
Trước tình hình trên, vị Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay bệnh viện đang áp dụng nhiều biện pháp để không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo bệnh các bệnh nhi khác như bệnh viện đã cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, nhân viên y tế của bệnh viện thường xuyên tiến hành công tác vệ sinh khử khuẩn phòng bệnh.
"Những bệnh nhi mắc ho gà trong khoa truyền nhiễm được nằm tại khu vực cách ly riêng để tránh lây bệnh sang bệnh nhân khác," ông Hải cho hay.
Để phòng chống bệnh ho gà, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắcxin phòng bệnh ho gà (vắcxin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván - DTP) đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Lịch tiêm chủng vắcxin DTP:
Mũi thứ 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi
Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.