Do thời tiết mưa ẩm kéo dài nên bệnh đạo ôn lá phát sinh, gây hại trên các giống lúa dễ nhiễm như BC15, Q5, TBR225, nếp các loại...
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, do thời tiết mưa ẩm kéo dài nên bệnh đạo ôn lá phát sinh, gây hại trên các giống lúa dễ nhiễm như BC15, Q5, TBR225, nếp các loại... với tỷ lệ bệnh trung bình từ 5-7% số lá, có giống nhiễm cao tới 15-20% số lá. Hiện nay, bệnh gây hại nặng tại các xã như Hà Kỳ, Đông Kỳ (Tứ Kỳ); Ứng Hòe, Nghĩa An (Ninh Giang), Vĩnh Lập (Thanh Hà)... với tổng diện tích nhiễm khoảng 15 ha. Nhiều diện tích đã xuất hiện ổ lụi theo chòm.
Thời gian tới, bệnh có khả năng gây hại mạnh trên các trà lúa. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân cần giữ đủ nước trong ruộng lúa bị bệnh, không bón thêm phân đạm, phân qua lá hoặc phun thuốc kích thích tăng trưởng. Nông dân cần phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu như Fu-Army 40EC, Bankan 600WP, Bump 650WP... Nếu ruộng bị nặng, phải tiêu hủy số lá nhiễm bệnh để hạn chế lây lan.
* Sâu đo, bọ xít gây hại mạnh trên các trà vải
Toàn tỉnh hiện có hơn 35 ha vải bị sâu đo gây hại với mật độ trung bình từ 2-3 con/cành. Nông dân đã phun trừ được 20 ha bằng thuốc đặc hiệu. Bọ xít gây hại 65 ha, mật độ từ 1-2 con/cành, cao từ 3-4 con/cành. Ngoài ra, bệnh sương mai, sâu đục chẽ hoa, dòi hại quả, nhện lông nhung... phát sinh, gây hại rải rác.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo nông dân phòng trừ bệnh hại theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, không sử dụng các loại thuốc chưa đăng ký, có độ độc cao. Lưu ý phòng trừ bệnh sương mai bằng các loại thuốc như Carozate 72WP, RidomilGold 68WG, Ricide 72 WP... hoặc dung dịch Boócđô 1% để giảm tỷ lệ rụng quả sinh lý.
PV