Vượt qua những khó khăn, bệnh tật, cựu chiến binh Vũ Minh Hải vươn lên phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho nhiều người.
Trừ chi phí, mỗi năm cơ sở sản xuất của ông Hải thu về gần 2 tỷ đồng
Sau gần 10 năm rèn luyện trong quân ngũ, chiến đấu trên nhiều chiến trường, trở về đời thường, cựu chiến binh Vũ Minh Hải (sinh năm 1953, ở thôn Dưỡng Thái Nam, xã Phúc Thành, Kim Thành) lại vượt qua những khó khăn, bệnh tật vươn lên phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho nhiều người.
Năm 1978, ông Hải phục viên trở về địa phương xây dựng gia đình với hai bàn tay trắng, lại là bệnh binh mất 61% sức khỏe. Cuộc sống khi đó vất vả, cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng, chẳng đủ ăn, phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ không lùi bước trước khó khăn, ông luôn trăn trở suy nghĩ phải làm gì đó để vươn lên trong cuộc sống. Nhận thấy nghề mộc có thể làm ngay chính tại quê hương, giúp gia đình vượt qua đói nghèo nên ông quyết định tới các cơ sở mộc ở địa phương để học nghề. Với vốn kinh nghiệm tích lũy được, năm 1980, ông tham gia HTX Cơ khí nông cụ 19-5 của huyện Kim Thành. Với bản tính chịu khó, ham học hỏi, ông đã tích lũy cho mình được nhiều kinh nghiệm quý, đồng thời có vốn kha khá, năm 1994, ông cùng một số đồng đội tham gia mở và là Chủ nhiệm HTX Công nghiệp CP Mai Hồng, đặt tại thị trấn Phú Thái (Kim Thành). Thời gian đầu, cơ sở của ông gặp không ít khó khăn, do sản phẩm mới nên chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường. Không kể ngày đêm, ông đã lặn lội đi khắp các nơi trong tỉnh để tiêu thụ hàng, trước hết là những người quen, sau đó mở rộng ra. Đến nay, cơ sở của ông Hải được mở rộng trên 1.000 m2, có đầy đủ các máy móc, trang thiết bị như máy cưa, máy cuốn, máy phay, bào, máy đục… phục vụ sản xuất. Các sản phẩm của cơ sở rất đa dạng từ giường, tủ, bàn, ghế, cửa… đến nhiều đồ nội thất khác và đều làm bằng gỗ tự nhiên. Nhờ làm việc trách nhiệm, sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt, “tiếng lành đồn xa” khách hàng tìm đến ngày một đông. Ông Hải cho biết: “Để sản phẩm đạt chất lượng tốt, người làm mộc phải biết cách chọn và phơi gỗ đúng quy trình kỹ thuật, thì chất lượng gỗ mới bền và hình dáng đẹp. Việc giữ uy tín với khách hàng phải đặt lên hàng đầu, phải làm đúng loại gỗ mà khách yêu cầu, giá cả hợp lý”.
Với cách làm đó, các sản phẩm do cơ sở của ông sản xuất đều đa dạng về mẫu mã, bảo đảm chất lượng, không những khẳng định uy tín ở thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra các thị trường khó tính như Hà Nội, Hải Phòng… Hiện nay, cơ sở của ông đang tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương, trong đó có 2 người là bộ đội xuất ngũ, 2 người là thương binh và nạn nhân chất độc da cam với thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ông đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công nhân. Ngoài ra, ông còn tổ chức các chuyến tham quan du lịch, tặng quà vào các dịp lễ, Tết… Hằng năm, ông nộp thuế cho Nhà nước trên 50 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi năm cơ sở của ông Hải thu lãi gần 2 tỷ đồng.
Với những đóng góp của mình, nhiều năm liền, ông Hải được các cấp khen thưởng, đặc biệt năm 2004 ông được Liên minh HTX Việt Nam tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong xây dựng HTX, năm 2005 ông được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương tặng bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào xóa nhà tranh tre xây dựng nhà "đại đoàn kết" cho các hộ nghèo.
VĂN PHÚC