Năm 2019 là một năm thắng lợi của gia đình ông Mạnh. Mặc dù trong cơn bão dịch tả lợn châu Phi nhiều gia đình trắng tay nhưng đàn lợn nhà ông không bị nhiễm dịch.
Gia đình ông Phạm Văn Mạnh ở thôn Đồng Lại, xã Liên Hồng (TP Hải Dương) thu lãi bình quân mỗi năm hơn 500 triệu đồng từ trang trại nuôi lợn và thả cá
Phát huy bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Mạnh (sinh năm 1957) ở thôn Đồng Lại, xã Liên Hồng (TP Hải Dương) đã thành công nhờ xây dựng mô hình trang trại kết hợp nuôi lợn và cá, thu lãi bình quân hơn 500 triệu đồng mỗi năm.
Lấy ngắn nuôi dài
Năm 1975, ông Phạm Văn Mạnh theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Ông lần lượt tham gia các chiến trường phía Nam rồi Vị Xuyên (Hà Giang). Năm 1989, ông trở về địa phương với quân hàm Đại úy và là bệnh binh mất sức 64%.
Như những đồng đội khác, xuất ngũ trở về với hai bàn tay trắng, ông Mạnh từng có biết bao ngày tháng trăn trở làm sao để thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương.
Thời gian đầu, ông làm mọi công việc để phát triển kinh tế như lái công nông, làm máy xay xát… nhưng cái đói, nghèo vẫn đeo bám.
Năm 1996, ông bán toàn bộ công nông, máy xay xát, mảnh đất ông mua từ trước và vay mượn gia đình, bạn bè được vài chục triệu đồng đấu thầu 4.700 m2 đất bỏ hoang ngoài đồng để đào 2 ao thả cá và nuôi 3 con lợn nái.
Ông Mạnh cho biết khu vực đất đấu thầu là vùng đất trũng, bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Ban đầu, vợ ông ngăn cản không cho làm vì sợ nợ và nghèo thêm nhưng ông nghĩ không mạo hiểm, không làm bây giờ thì không bao giờ làm được nữa. Ông thuê người rồi làm cùng để phát cỏ, nạo vét ao, đắp bờ…
Năm 2001, ông quyết định vay ngân hàng 500 triệu đồng đầu tư xây thêm trang trại nuôi lợn. Đất không phụ công người, giai đoạn này ông đã thu lãi từ 2 ao cá và trang trại lợn khoảng 100 – 200 triệu đồng/năm. Gia đình ông đã có của ăn của để.
Chia sẻ về những khó khăn, ông Mạnh cho biết thất bại lớn nhất là năm 2007 khi bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng vì cả trang trại lợn bị chết do dịch tai xanh. Lúc đó ông định bỏ cuộc vì vợ con và người thân bàn lùi, khuyên ông bán hết trang trại về làm nghề khác. Rồi năm 2016, giá lợn rẻ có lúc không còn tiền để mua thức ăn cho lợn, ông phải vay bạn bè, ngân hàng để duy trì đàn lợn trong chuồng.
Cái chất của người lính bộ đội Cụ Hồ không cho phép ông dừng bước. “Ngã ở đâu sẽ đứng lên ở đó, mặt trận khói lửa, bom đạn tôi còn không chùn bước huống chi là mặt trận thời bình”, ông Mạnh nói.
Ông tích cực nghiên cứu qua sách, báo, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá, lợn do các cấp tổ chức, rồi đến thăm các mô hình chăn nuôi thành công ở các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, TP Hải Phòng để học hỏi kinh nghiệm.
Trong chăn nuôi, ông luôn tâm niệm phải lấy ngắn nuôi dài, phải đầu tư từng bước, từng giai đoạn. Năm 2014, với nguồn vốn đã tích lũy nhiều năm qua ông tiếp tục đấu thầu thêm 7.000 m2 ao để thả cá và xây dựng dãy nhà 650 m2 để nuôi lợn thịt. Đến nay, ông đầu tư cho cả 2 trang trại khoảng 3 tỷ đồng.
Với 3 ao cá và 700 con lợn thịt, 70 con lợn nái, 3 con lợn đực giống quay vòng cho thu lãi bình quân hơn 500 triệu đồng/năm.
Coi trọng phòng bệnh
Năm 2019 là một năm thắng lợi của gia đình ông Mạnh. Mặc dù trong cơn bão dịch tả lợn châu Phi nhiều gia đình trắng tay nhưng đàn lợn nhà ông không bị nhiễm dịch.
Ngoài yếu tố may mắn, ông Mạnh tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, nhất là các biện pháp an toàn sinh học. Ông đặt trọng tâm công tác phòng bệnh chứ không bao giờ lợn có bệnh mới chống.
Từ đầu năm, ông đầu tư hàng chục triệu đồng để lắp hệ thống vòi phun sương tiêu độc khử trùng từ ngoài cổng. Mỗi người đi qua cổng đều được hệ thống vòi phun sương vào người, trong nước phun sương có pha thuốc sát trùng. Không người lạ nào được bước qua cánh cổng khi chưa được gia đình ông cho phép. Nếu có người bắt buộc phải vào trong thì phải mặc quần áo chuyên dụng, đi ủng nhúng qua chậu nước vôi để bảo đảm an toàn cho đàn lợn.
Ông tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn lợn theo quy định, vệ sinh, tiêu độc khử trùng trong và ngoài chuồng trại, chọn nguồn thức ăn của các doanh nghiệp uy tín. Ông thuê riêng một nhân viên kỹ thuật của công ty cung cấp thức ăn cho lợn để thường xuyên theo dõi và tư vấn. Ông thuê thêm 1 lao động tại địa phương làm việc trong trang trại với mức lương 6 triệu đồng/tháng.
Ông Mạnh cũng lắp 8 camera để theo dõi đàn lợn, ao cá... kết nối với điện thoại di động. Nhờ đó, mọi hoạt động trong trang trại ông đều nắm bắt được mọi lúc, mọi nơi, giúp ông chủ động trong chăn nuôi.
“Đến thời điểm này gia đình tôi thu lãi gần 1 tỷ đồng, tôi đã trả hết nợ ngân hàng, xây được 2 ngôi nhà cho 2 con trai, nhẹ nhõm và phấn khởi lắm”, ông Mạnh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chủ tịch Hội CCB xã Liên Hồng cho biết ông Mạnh là tấm gương điển hình về phát triển kinh tế của hội trong những năm qua. Ngoài nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, ông còn nhiệt tình, trách nhiệm với công tác đoàn thể xã hội tại địa phương, nhất là các hoạt động tình nghĩa của Hội CCB, Hội Nông dân xã Liên Hồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn chia sẻ kinh nghiệm cho bà con kỹ thuật nuôi thả cá, chăm sóc đàn lợn, giúp các gia đình trong thôn cùng thoát nghèo. Ông Mạnh luôn được đồng đội và bà con địa phương yêu mến, tin tưởng.
THẾ ANH