Chiều 11.2, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 42.
Chiều 11.2.2020, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau hai ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 42. Các nội dung Phiên họp đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thận trọng, thảo luận kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. Sau phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan nhanh chóng triển khai các kết luận đối với từng nội dung, khẩn trương tập trung nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp để chỉnh lý 2 dự án luật; thực hiện các bước tiếp theo và triển khai công tác chuẩn bị để tổ chức tốt cho Năm Chủ tịch AIPA 2020. Các dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần hoàn thiện sớm, ký ban hành để các địa phương sớm ổn định tổ chức trước khi tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp. Như vậy, đến thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản hoàn thành việc xem xét, quyết định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (còn duy nhất TP Hồ Chí Minh chưa trình Đề án). Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, chính quyền các địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết để bảo đảm các đơn vị hành chính mới được sắp xếp kịp thời tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp theo kế hoạch đề ra; đồng thời bảo đảm ổn định tình hình địa phương và đời sống của người dân những nơi sắp xếp lại, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Dự kiến phiên họp tháng 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có 8 dự án luật và một số nội dung khác cần được cho ý kiến. Để các dự án luật, các nội dung trình tại phiên họp tới bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan trình và cơ quan thẩm tra cần phối hợp chặt chẽ ngay từ bây giờ, bám sát tình hình chuẩn bị, thực hiện đúng kế hoạch đề ra, nếu có vấn đề phát sinh kịp thời báo cáo để Ủy ban Thường vụ xem xét, cho ý kiến trước khi vào phiên họp; Chính phủ, các cơ quan tổ chức hữu quan, các cơ quan của Quốc hội cần tích cực chuẩn bị, cố gắng cao nhất để chương trình phiên họp tháng 3 được tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch, tránh dồn nội dung sang phiên họp tháng 4 và tháng 5. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm để triển khai thực hiện tốt các hoạt động khác theo đúng chương trình làm việc. * Trước đó, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các đại biểu cho ý kiến về việc ban hành Nghị định hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul. Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa (gọi tắt là Công ước) được ký kết ngày 26.6.1990, có hiệu lực từ ngày 27.11.1993 dưới sự quản lý của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO). Theo quy định của Công ước, tất cả thành viên của WCO và tất cả thành viên Liên hợp quốc hoặc các cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc đều có thể trở thành thành viên của Công ước. Hiện nay, trên thế giới có 71 quốc gia/vùng lãnh thổ là thành viên Công ước (bao gồm cả Việt Nam). Ngày 26.9.2017, Tổng Thư ký Quốc hội có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung liên quan đến các Văn kiện hợp tác quốc tế tại Phiên họp thứ 14; nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa; giao Chính phủ thực hiện việc nội luật hóa các quy định của Công ước thành các quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việt Nam chính thức là thành viên Công ước Istanbul từ ngày 3.7.2019. Việt Nam tham gia Công ước ở mức độ tối thiểu theo quy định của Công ước, bao gồm Thân Công ước, Phụ lục A về Chứng từ tạm quản và phụ lục B.1 về hàng hóa dùng để trưng bày hoặc sử dụng tại triển lãm, hội chợ, hội nghị hay các sự kiện tương tự. Trong xu thế tăng cường xuất khẩu và giao lưu thương mại với các nước và Chính phủ đang nỗ lực tiến hành cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan theo hướng áp dụng các chuẩn mực hải quan quốc tế, góp phần giảm thời gian, chi phí thủ tục nhằm mục đích tạo thuận lợi thương mại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc áp dụng cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul được coi là một dịch vụ cao cấp trong lĩnh vực tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam ra thế giới và ngược lại. Kết luận nội dung thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Chính phủ sẽ thực hiện theo khoản 1, Điều 6 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016; khoản 5 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (tức là thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết). Sổ tạm quản ATA là tờ khai hải quan, là chứng từ để người khai hải quan và cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa, cũng như để phục vụ các công việc liên quan khác như kiểm tra sau thông quan... Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, về thu phí cấp sổ ATA theo quy định thống nhất coi đây là loại phí hải quan nằm trong danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo luật và do Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn, không phải ban hành danh mục phí mới nữa. Việc cấp sổ ATA thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ. Trên cơ sở nhất trí của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi thông báo ý kiến để Chính phủ ban hành nghị định này. * Chiều cùng ngày, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu tiếp tục tập trung thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Theo TTXVN