Toàn thành phố hiện còn trên 200 di tích, đền, miếu, đình chùa, từ đường… thờ các nhân vật trải suốt chiều dài lịch sử từ thời Hùng Vương tới tận bây giờ.
Thành Đông xưa - TP Hải Dương nay được vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn sau khi thống nhất đất nước đã cho khởi lập vào năm Gia Long thứ 3 (1804), cách đây 219 năm. Tuy nhiên, vùng đất thuộc thành phố này đã có lịch sử rất lâu đời. Những di tích cổ hiện hữu trên địa bàn thành phố hiện nay là những minh chứng sinh động khẳng định điều đó.
Theo thống kê, toàn thành phố hiện còn trên 200 di tích, đền, miếu, đình chùa, từ đường… thờ các nhân vật trải suốt chiều dài lịch sử từ thời Hùng Vương tới tận bây giờ.
Đình Hàn Bơi, nằm ngoài đê, bên sông Thái Bình (thuộc phường Cẩm Thượng ngày nay) thờ Thánh Khai Thiên Thể Đạo - người đã có công giúp vua Hùng thứ 18 dẹp giặc. Theo lưu truyền, ông tên thật là Hán Công Đạt, sinh ra tại làng Phương Độ (nay là khu dân cư Phương Độ, phường Cẩm Thượng), là người văn võ song toàn. Thời ấy, nước ta bị giặc Xích Quỷ xâm lăng. Vua đã cử ông và phong 4 chữ “Hùng vĩ Việt nhân”, giao chức Đại tướng tổng chỉ huy thủy, bộ binh mã. Bằng kế sách của ông, quân ta đại thắng. Sau khi ông mất, được dân làng lập đền thờ phụng. Hằng năm, vào ngày 10.3 giỗ Tổ Hùng Vương và từ 14 - 16.8 âm lịch, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ dâng hương và lễ hội để tưởng nhớ ông…
Đình Bảo Sài, thờ Thành hoàng làng là Trương Mỹ, một danh tướng thời Hai Bà Trưng. Ngài sinh ra và trưởng thành ngay trên mảnh đất này (nay thuộc khu dân cư số 14, phố Trương Mỹ, phường Phạm Ngũ Lão). Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa năm 40-43 (thế kỷ I), ông đã tập hợp trai tráng theo và được phong làm đô thống nguyên soái đại tướng quân đánh quân Nam Hán - Tô Định, lập nhiều công to. Khi ông mất, Trưng Vương truyền cho dân làng dựng ngôi miếu thờ tại Bình Lâu Trang muôn đời thờ phụng và phong làm “Thượng đẳng phúc thần”...
Cụm di tích đình, đền, chùa Sượt thuộc xã Thanh Cương, huyện Cẩm Giàng (nay là phường Thanh Bình, TP Hải Dương). Đền có tên chữ là “Thanh Cương linh từ”, “Quang Liệt miếu”, thờ Đức thánh Vũ Hựu, người có công phò vua Lê Chiêu Tông dẹp giặc Ai Lao giữ yên bờ cõi đất nước ở thế kỷ thứ XV. Lễ hội tại đây được mở vào mồng 10.3 âm lịch, với các nghi lễ trang trọng tưởng nhớ Đức thánh cùng nhiều trò chơi thể hiện tinh thần thượng võ của vùng đất này.
Đình Liễu Tràng (phường Tân Hưng) khởi lập từ thời Hậu Lê, thờ tứ vị đại vương là Viên Lực, Đình Linh, Sài Tân và Lương Như Hộc. Sử sách chép: Lương Như Hộc đỗ Đại khoa năm Nhâm Tuất (1442) làm quan đến chức Đô Ngự sử, rồi Trung Thư lệnh kiêm Bí thư Giám học sĩ. Thời vua Lê Thánh Tông, ông từng hai lần được cử đi sứ nhà Minh, nên đã tìm hiểu và học được nhiều nghề, trong đó có nghề khắc ván in, rồi về truyền dạy cho dân các làng. Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, người làm nghề này đã khắc được rất nhiều bộ kinh-sách quý cho quốc gia, trong đó có bộ “Đại Việt Sử ký toàn thư” đang được lưu giữ tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội)... Từ đó đến nay, dân làng vẫn thờ ông làm Tổ sư. Ngành in Việt Nam tôn làm Tổ nghề.
Một nơi không thể không nhắc tới ở TP Hải Dương, đó là Đình Hàn Giang - nơi thờ võ tướng Quận công Đinh Văn Tả (nên còn gọi là đền Đinh Văn Tả), người có công phụng sự 6 triều vua thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII), nội trị thống nhất sơn hà, được nhân dân địa phương suy tôn là Thành hoàng bản địa. Đình nằm ở phố An Ninh, phường Quang Trung.
Trong khu vực nội đô còn nhiều di tích khác. Mỗi địa danh, địa chỉ đó lại gắn liền với lịch sử phát triển mở rộng của thành phố qua từng giai đoạn, như đền Đông Kiều thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở phố Minh Khai (phường Trần Hưng Đạo); chùa Linh Thông, chùa Thiên Phúc, chùa Phong Hanh (phường Quang Trung); chùa Quỳnh Khâu (tức chùa Cương Xá, phường Tân Hưng); chùa Đông Thuần (phường Trần Phú); chùa Bình Lâu (phường Tân Bình), chùa Phúc Duyên (phường Hải Tân)… Những ngôi chùa, tự viện này không những là di tích, danh lam thắng cảnh, cơ sở của tôn giáo của dòng thiền Trúc Lâm gắn với hành trạng của Phật hoàng Trần Nhân Tông, mà còn là trụ sở, cơ sở cách mạng trong những năm chống Pháp, chống Mỹ, do nằm gần các cơ quan đầu não của thực dân, đế quốc, thuận lợi cho các hoạt động của ta.
Ngày nay, khi thành phố tiếp tục được mở rộng theo quy mô của đô thị loại I, thì lại có thêm nhiều hơn các di tích, danh thắng vùng ngoại ô, cũng có bề dày lịch sử văn hóa như những gì là truyền thống vốn có của vùng nội đô xưa. Đặc biệt có những di tích quan trọng liên quan tới các nhà lãnh đạo tiểu biểu của cách mạng, như: Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại phường Ái Quốc, đền thờ đồng chí Lê Thanh Nghị ở xã Gia Xuyên…
TP Hải Dương đã trở thành đô thị loại I, mục tiêu phấn đấu sẽ phát triển thành một đô thị năng động, văn minh, hiện đại, thành phố đáng sống. Những giá trị truyền thống ấy vẫn mãi là cội nguồn, nền gốc, là động lực tạo ra sức mạnh để thành phố tiếp tục vươn cao.