Trong cuộc họp Chính phủ đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra câu hỏi: "Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?".
Đó là câu hỏi rất khó trả lời. Song dù khó đến mấy cũng cần và phải cố gắng trả lời để nông dân tránh được bi kịch đau xót như đang xảy ra với sản phẩm thịt lợn.
Nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và cả người nông dân phải cùng chung sức để tìm ra lời giải. Song, trách nhiệm trực tiếp và lớn nhất thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và chính quyền các địa phương.
Với cung cách sản xuất nông sản còn mang tính tự phát, thị trường tiêu thụ sản phẩm luôn bấp bênh như hiện nay, sau dưa hấu, lợn thì nguy cơ "được mùa, mất giá" sẵn sàng tấn công rất nhiều mặt hàng nông sản khác. Đó có thể là cà phê, hồ tiêu, thanh long, cao su, cũng có thể là gia cầm, thủy sản...
Bài viết này chỉ đề cập đến sản phẩm gia cầm. Tôi cho rằng nguy cơ giá gia cầm, nhất là giá thịt gà (sản phẩm gia cầm chủ lực) rơi tự do vẫn đang chực chờ.
Cũng như chăn nuôi lợn, những năm gần đây, chăn nuôi gia cầm có dấu hiệu tăng trưởng "nóng". Ở phạm vi cả nước, đàn gia cầm tăng liên tục trong giai đoạn 2012-2016 với mức tăng mỗi năm dao động từ gần 3% đến hơn 5%. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2016 cả nước có 350-360 triệu con gia cầm, tăng 5,5% so với năm 2015.
Tại Hải Dương, theo thông tin đăng tải trên website của Cục Thống kê, tại thời điểm tháng 12.2016, tổng đàn gia cầm ước đạt hơn 11,4 triệu con, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt gia cầm trong năm 2016 đạt gần 30.600 tấn, tăng 5,9% so với năm 2015.
Bản điều chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2020 xác định: Đến năm 2020, sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 30.000 tấn và tổng đàn gia cầm đạt khoảng 13 triệu con. Như vậy, sản lượng thịt gia cầm năm 2016 đã vượt quy hoạch đề ra tới năm 2020. Nếu chăn nuôi gia cầm vẫn giữ tốc độ tăng trưởng nhanh như hiện nay thì tới năm 2020, sản lượng gia cầm sẽ vượt xa quy hoạch. Nguy cơ "vỡ" quy hoạch về tổng đàn cũng có thể xảy ra.
Một số ý kiến cho rằng nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm ở thị trường nội địa vẫn ở mức cao và thịt gia cầm hầu hết chỉ đáp ứng thị trường trong nước. Do vậy không nên lo lắng khi tổng đàn gia cầm tăng nhanh. Quan điểm này có cơ sở, song chưa toàn diện, thấu đáo. Đúng là hiện nay hầu hết thịt gia cầm chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước, không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như thịt lợn. Nhưng chăn nuôi gia cầm lại phải đối mặt với áp lực rất lớn từ thịt gia cầm nhập ngoại. Trước đây thịt gà ngoại đã từng tràn vào trong nước khiến người nuôi gà khốn đốn vì giá giảm mạnh. Khi hội nhập ngày càng sâu rộng thì hàng hóa nước ngoài, trong đó có thịt gia cầm càng rộng đường để vào nước ta, cạnh tranh gay gắt với thịt gia cầm sản xuất trong nước. "Bi kịch" như giá lợn rất dễ lặp lại.
Từ bài học đắt giá về chăn nuôi lợn hiện nay, liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và chính quyền các địa phương có nhìn nhận ra những dấu hiệu bất thường trong chăn nuôi, tiêu thụ gia cầm để cảnh báo cho nông dân có các biện pháp ứng phó?
TUẤN NGUYÊN