Bảy giải pháp nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển

28/09/2010 05:17

Trong 5 năm (2006-2010), tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 73,5 nghìntỷ đồng, tăng bình quân 24,7%/năm; nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuậtđược ứng dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả thiết thực...


Những năm qua, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được kết quả tích cực trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Trong 5 năm (2006-2010), tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 73,5 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 24,7%/năm; nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả thiết thực; tài nguyên khoáng sản được sử dụng tương đối hợp lý, hiệu quả; kỹ năng, trình độ của người lao động từng bước được nâng lên. Những kết quả này đã đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, công tác huy động và sử dụng nguồn lực còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hút và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong giai đoạn tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư. Đây sẽ là điều kiện tiên quyết để thu hút các nguồn lực cho phát triển. Trong đó, cần tập trung xây dựng và thực hiện chiến lược xúc tiến đầu tư có trọng điểm. Đa dạng hóa các kênh vận động, xúc tiến đầu tư thông qua các diễn đàn, tổ chức kinh tế lớn, xây dựng chuyên trang điện tử về tiềm năng và cơ hội đầu tư, biên tập các đặc san, xây dựng các danh mục và các dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách đầu tư hiện hành. Nghiên cứu ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phù hợp với thực tế và các quy định. Hoàn thiện đồng bộ các loại thị trường: Vốn, lao động, khoa học - công nghệ..., góp phần tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Phát triển nhanh các dịch vụ vận tải, viễn thông, dịch vụ tư vấn...

Thực hiện mạnh mẽ cải cách các thủ tục hành chính đầu tư, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Công khai, minh bạch bộ thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư. Nâng cao chất lượng mô hình "một cửa", "một cửa liên thông" trong quá trình giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư của doanh nghiệp.

Đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Vận dụng linh hoạt các hình thức liên kết đầu tư phù hợp với đặc điểm các giai đoạn, các ngành và khả năng góp vốn của ngân sách. Thí điểm liên kết theo hình thức đối tác công - tư, nhất là lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Đổi mới bố trí đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; khắc phục bố trí đầu tư dàn trải. Trong xây dựng các chương trình đề án cần đề cao tính đột phá, gắn kết với khả năng cân đối ngân sách. Tăng cường tính minh bạch, công khai trong các quyết định đầu tư.Tạo bước chuyển biến trong quản lý Nhà nước về đầu tư. Nâng cao chất lượng quy hoạch. Các quy hoạch cần có tầm nhìn xa từ 20 đến 25 năm để đáp ứng xu hướng phát triển. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích, dự báo phục vụ lập quy hoạch. Nâng cao chất lượng thẩm định dự án, chú trọng vấn đề môi trường và công nghệ của dự án.

Có chiến lược dài hạn trong đào tạo nguồn lao động, phù hợp định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên của tỉnh. Xây dựng và thực hiện đề án "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan hành chính Nhà nước", gắn với thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút nhân tài.

Làm tốt công tác điều tra cơ bản, xác định trữ lượng các nguồn tài nguyên khoáng sản. Quy hoạch khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên hợp lý. Thận trọng trong chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp nhằm ổn định an ninh lương thực.

(Trích tham luận của đồng chí Nguyễn Dương Thái, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư)

(0) Bình luận
Bảy giải pháp nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển