Tin ông giáo Thảo dẫn ở đâu về một cô gái trẻ xinh đẹp trở thành đề tài nóng hổi ở làng Hạ. Người ta quên béng ngay vụ việc về một chiếc máy bay ở tít tận bên tây bên tàu nào đó vừa rơi xuống đất làm chết những bao nhiêu người vô tội. Ở làng Hạ này, không ai là không biết ông giáo. Đã có biết bao nhiêu thế hệ lớn nhỏ đều đã từng là học trò của ông. Ngoài việc là một nhà giáo bao nhiêu năm mẫu mực, tận tụy với nghề, ông Thảo còn là trưởng họ gương mẫu của một dòng tộc danh giá trong làng. Cụ tổ bao nhiêu đời của dòng họ này đã làm tới chức quan tể tướng của triều đình xưa, nghe nói còn được vua ban cho cả ấn ngọc. Chả vậy mà nhà thờ họ bề thế nhất làng của họ Hà nổi tiếng là tôn nghiêm còn được Nhà nước công nhận là di tích văn hóa hẳn hoi. Bà giáo mất đã gần một năm chỉ sau một cơn cảm mạo xoàng. Hai người con của ông bà cũng giỏi giang thành đạt ở đâu mãi ngoài Hà Nội. Mỗi lần về làng toàn đi xe ô-tô bóng loáng, phát bánh kẹo cho trẻ con cả làng. Ông giáo xin nghỉ hưu sau cái tang đột ngột của vợ. Ngoài ngũ tuần nhưng trông ông vẫn còn rất tráng kiện. Tuy chỉ có mái tóc thì đã ngả màu sương khói. Về hưu ông năng nổ việc làng, việc xã, lại kiêm thêm bao nhiêu việc của dòng họ. Vậy mà cứ thấy ông phóng xe ào ào. Nói cười sang sảng. Quả thật người như ông trong làng này chẳng có mấy ai được như vậy. Thế mà đùng một cái xảy ra chuyện thật như đùa. Đàn bà xì xầm, xiên xéo. Đàn ông há miệng mắc quai. Tin tức cứ sôi lên sùng sục. Người thì chép miệng lắc đầu: "Rõ già mà còn dại". Kẻ lại gật gù ra vẻ sành sỏi: "Lại mấy ả đèn mờ đèn sáng gì đó trên phố chuyên dụ dỗ đàn ông chứ chẳng sai".
Ngôi nhà cổ kính phủ đầy dây leo thường xuân của ông bà giáo bỗng nhiên trở thành tâm điểm của hàng trăm con mắt dòm vào. Họ Hà mở cuộc họp khẩn cấp. Hai người con ông giáo cũng nhận lệnh triệu tập. Nghe nói gay gắt lắm. Chẳng biết bọn trẻ thập thò nghe lỏm được những gì mà thọc mạch khắp làng rằng ông Thảo có nguy cơ bị gạch tên trong gia phả. Chuyện nghiêm trọng như thế cơ? Suy thoái đạo đức và gỉ gì gì nữa. Hẳn là thế rồi. Lần đầu tiên người ta thấy bố con ông giáo to tiếng với nhau. Lại có tiếng phụ nữ khóc thút thít và tiếng đổ vỡ xoang xoảng trên nền gạch. Câu chuyện lên tới đỉnh điểm khi bà Thỏa xách túi xăm xăm đi vào ngõ nhà ông giáo. Bà là chị gái của bà giáo, lấy chồng ở làng xa. Cuộc sống bận rộn cũng chẳng mấy khi thấy bà về bên này, trừ những dịp lễ, Tết. Đúng là tiếng lành đồn nhanh, tiếng dữ còn đồn nhanh hơn nữa. Vứt xoạch cái nón xuống hè, bà Thỏa đi thẳng vào gian giữa. Vừa thắp thẻ hương cắm lên bàn thờ bà giáo, bà vừa khóc hù hụ:
- Em ơi là em! Sao lại ra nông nỗi này cơ chứ?
Ông Thảo vội vã, quày quả kéo ghế:
- Chị sang sao không gọi em một tiếng để em ra đón?
Bà Thỏa kéo áo lau nước mắt, chì chiết:
- Chú còn có thời gian nghĩ tới tôi sao? Tôi không ngờ già rồi mà chú lại đổ đốn thế. Tội nghiệp em gái tôi. Cả đời nó lao tâm khổ tứ vì cái gia đình này. Người chết chưa ráo mồ chú đã định rước voi về giày mả tổ. Bấy lâu nay hóa ra mọi người lầm chú. Nào phải còn trẻ trung gì cho cam. Đầu hai thứ tóc rồi. Chú lại bôi gio trát trấu vào mặt các cháu tôi.
Bà Thỏa vừa kể lể vừa vớ lấy cốc nước uống cạn một hơi. Mắt bà liếc xéo xuống gian nhà dưới. Thấp thoáng có bóng phụ nữ ra vào ở phía đó. Ông giáo thẽ thọt:
- Để em gọi cô ấy lên chào chị.
Bà Thỏa đặt cạch chiếc cốc xuống mặt bàn, cao giọng dằn dỗi:
- Được. Tôi sang đây cũng để xem mặt ngang mũi dọc của con hồ ly tinh ấy trơ tráo đến mức nào.
- Ngọc ơi! Lên anh bảo.
Bà Thỏa thấy nóng ran cả mặt. Lại còn anh anh em em ngọt xớt. Đúng là không còn ra cái thể thống gì nữa.
Duyên dáng. Cao ráo. Trắng trẻo. Mắt nhìn thẳng gai góc. Cô gái cúi đầu chào bà lễ phép:
- Em chào chị!
Bà Thỏa riết róng:
- Không dám! Chào cô.
Cô gái phớt lờ, tỉnh bơ:
- Trưa nay mời chị ở lại dùng cơm với chúng em.
Bà Thỏa đùng đùng đứng phắt dậy :
- Rõ là thứ hồ ly. Không biết dơ dáng. Chúng em? Chả bằng tuổi bố cô còn gì.
Ông Thảo luýnh quýnh đi theo bà Thỏa:
- Xin chị hiểu cho em.
Bà Thỏa bù lu bù loa:
- Nhục nhã. Nhục nhã quá. Chú đừng gọi tôi là chị nữa.
Cánh cổng bị bà Thỏa gạt mạnh đóng sầm lại suýt chút nữa thì đập vào mặt ông Thảo. Vài người đi đường tò mò dừng lại nhìn ngó làm con vện đang xích ở phía trong sủa lên ông ổng.
Người làng rồi cũng quen với cảnh ông giáo và người phụ nữ trẻ chở nhau đi về tình tứ. Cứ như vợ chồng son mới cưới vậy. Cơ quan đoàn thể xã nhà loay hoay mãi. Rốt cuộc cũng chẳng tìm ra cái luật nào quy định cấm người đàn ông chết vợ đưa một người đàn bà khác về nhà chung sống. Ông Thảo cũng đã bàn giao lại việc họ và xin từ chức. Người ta đàm tiếu ba tháng chẳng ai đàm tiếu được ba năm. Mà hai người họ có vẻ như yêu thương nhau thật đấy chứ. Ông giáo thì lương hưu ba cọc ba đồng. Tài sản có gì đâu ngoài danh gia vọng tộc. Con giận bố. Bố giận con. Cắt trợ cấp. Không sao. Của cho khác của biếu. Vậy chả ra là ở xứ ta chuyện tình như ở làng Hạ đâu có thua gì những chuyện tình trong phim Hàn Quốc ngày nào chả chiếu đầy trên ti-vi.
Mùa đông năm nay dở chứng đến sớm. Dạo này ông giáo hay ốm vặt. Tốt mái hại trống. Đám đàn ông trong làng lúc rỗi việc rít thuốc lào sòng sọc. Vừa ha hả cười nham nhở vừa mắt trước mắt sau sợ lỡ vợ mà nghe được thì khốn. Khối đức ông chồng bị cấm tiệt không được nhắc tới chuyện của ả hồ ly đó nữa. Bụng dạ đàn bà đúng là hẹp hòi. Mà cái cô Ngọc ấy nhìn đẹp thì đẹp thật nhưng thần sắc cứ u uất sao đấy.
Hoa thường xuân mùa này nở đầy leo quấn quýt trên mái ngói âm dương phủ xanh rêu biếc. Vào những đêm trăng suông mờ mờ, có người độc miệng bảo thấy có ma nữ xõa tóc ngồi vắt vẻo trên cành ngọc lan hàng vài chục tuổi ở góc vườn nhà ông giáo. Có người còn quả quyết nghe thấy cả tiếng khóc nỉ non của một ai đó. Họ đồn thổi rằng linh hồn bà giáo hẳn chưa được siêu thoát. Chẳng ai biết hư thực thế nào chỉ thấy ngôi nhà cổ nhiều khi sáng đèn rất khuya.
- Sao em về muộn vậy?
Ngọc chợt sững lại khi lách người qua cánh cửa khép hờ:
- Anh chưa ngủ sao?
- Anh đợi em.
Ông dịu dàng nắm lấy bàn tay lạnh ngắt của cô ủ chặt trong tay ông ấm áp:
- Em ra ngoài sao không mặc áo ấm? Mùa này sương nhiều.
- Anh đi ngủ đi.
- Anh muốn ngồi bên em một lát.
Ly sữa cô pha cho ông lúc tối vẫn còn nguyên trên bàn. Mùi hoa ngọc lan ngoài cửa sổ. Tiếng tích tắc nhẫn nại của đồng hồ. Họ ngồi im lặng bên nhau. Tay trong tay.
- Để em trải chăn giúp anh.
- Không sao. Anh tự làm được. Em nên thay quần áo nhé. Sương ẩm ngấm vào người không tốt.
Ông nhìn cô bằng ánh mắt âu lo, trìu mến.
Ngọc lặng lẽ đứng lên cố tránh cái nhìn đầy trắc ẩn như thế. Về tới phòng cô mới biết lưng áo mình dính đầy cỏ may. Tối nay ông ta đã không uống ly sữa cô pha. Không có lẽ ông ta đã biết tất cả. Không thể nào. Cô cảm thấy nhoi nhói điều gì đó trong lòng. Không rõ rệt nhưng cảm thấy rất khó chịu. Tiếng hắn còn âm âm rít lên bên tai cô:
- Mày không còn nhiều thời gian để diễn trò yêu đương đâu. Mày chỉ còn hai tuần nữa thôi. Nếu tao không có được thứ tao cần thì thằng em mày sẽ đói thuốc mà chết rũ ở một xó xỉnh nào đó và mày sẽ được bán đi với giá rẻ đấy.
Mùi rượu sặc sụa trên khắp cơ thể cô khi hắn ngấu nghiến thô bạo ghì cô xuống bãi cỏ nhàu nhĩ sương đêm. Giày vò cô thỏa thuê rồi hắn đột ngột biến mất tựa hồ như chui xuống đất sau khi quẳng vào mặt cô lời đe dọa:
- Lần sau mà mày không đến đúng giờ thì liệu đấy.
Ông Thảo ho khan suốt tuần. Gió bấc về. Những ngọn gió đầu mùa tê buốt. Luồn lách thấm vào không gian. Cây cối trong vườn run lên cầm cập.
- Em nấu gì thơm thế?
- Là món anh thích.
- Thật sao?
Ông vui như trẻ nhỏ. Mắt cười lấp lánh. Bữa tối nóng hổi được dọn ra. Rượu trắng rót trong ly trắng. Hương thơm la đà. Vạt trăng hạ tuần mỏng tang vắt ngang vườn. Ông uống không nhiều nhưng thấy hơi chuếnh choáng nên đi nằm sớm. Nửa khuya mơ màng nghe có tiếng gõ cửa rụt rè, do dự:
- Em vào được không?
- Em vào đi? Sao còn chưa ngủ?
Cô không trả lời. Lẳng lặng nằm xuống bên cạnh ông. Da thịt đàn bà hôi hổi bay khắp cả gian phòng. Đêm đặc quánh lại. Ấm sực. Tiếng mèo gào tha thiết đâu đó. Tiếng đuôi thạch sùng rụng trên tường. Đêm như được cán mỏng ra. Rộng mênh mông. Dù có nhắm mắt lại ông vẫn thấy rất rõ cô đang khe khẽ rồi nhón chân đi thật nhẹ trong phòng. Cái eo lưng thon thả nhìn từ phía nào cũng thấy cam chịu rất đàn bà. Khác hẳn với đôi mắt đen thẫm đầy bất trắc khó lường của cô.
- Anh có thể giúp em tìm thứ em muốn được không?
Giọng ông chùng xuống đều đều chậm rãi:
- Em hãy vào phòng đọc sách. Sẽ thấy bức tranh bát mã treo đối diện với bàn viết của anh. Bước sang phía trái bức tranh bảy bước. Viên gạch thứ tư. Tính từ bước chân thứ bảy.
Im lặng. Tưởng như cả thế kỷ đang trôi qua.
- Tại sao anh lại nói điều này với em? - tiếng cô nghẹn lại. Căng nhức.
- Vì ở đó có thứ em cần.
Lại im lặng. Cánh cửa khép lại buồn tênh. Nhẹ và ngọt như vệt cứa của con dao bén nhọn trên da thịt. Tiếng động chia đôi, tách rời hai khoảng không gian. Ở bên này, ông có cảm giác hơi thở của mình đang loãng ra, nhạt đi theo từng bước chân cô đang xa dần. Phía bên kia nỗi tủi hổ đồng lõa với bóng đêm siết chặt lấy cô. Những ý nghĩ vùng vẫy trong đầu. Không thể dừng lại. Chỉ cần cô làm tốt một việc này thôi, em của cô sẽ có cơ may sống sót và cô có thể hóa giải được số phận nghiệt ngã của mình. Viên gạch thứ tư. Cô đi như chạy về phía trước. Hồi hộp đến ngột ngạt. Quỳ xuống nền đá hoa lạnh toát. Tay cô run bắn khi chạm vào chiếc hộp nhỏ bằng gỗ đen bóng chạm trổ hoa văn cầu kỳ nằm ngay ngắn dưới viên gạch thứ tư. Cô mở nắp hộp. Trên lớp lụa đỏ thẫm là một cái vòng tay màu xanh cẩm thạch nạm vàng tuyệt đẹp. Phía dưới là một tờ giấy gấp làm tư vuông vắn. Cô lập cập thắp nến. Nét bút ngả đều thanh tao trên giấy trắng.
“ Miên à! Anh vẫn muốn gọi em bằng cái tên mộc mạc của chính em thôi. Ngay từ giây phút đầu tiên nhìn thấy em, khi em cố tình ngã trước bánh xe của anh, anh đã biết mình yêu em. Ngay cả khi anh uống ly sữa với liều thuốc ngủ mà em lén pha vào trong đó hằng đêm, anh vẫn không thể ngủ được vì biết em sẽ lang thang khắp các gian nhà trong đêm tối và sáng mai lại nhìn anh với đôi mắt lo âu đầy khắc khoải chất chứa hổ thẹn. Ngay cả những khi liều thuốc ấy được tăng lên gấp đôi vào những lúc em phải ra ngoài mà không thể để cho anh biết, anh vẫn uống và vẫn không ngủ được vì lo lắng khi em chưa trở về. Vật báu mà người ta đang buộc em tìm kiếm thực ra chỉ là truyền thuyết. Hoàn toàn không có chiếc ấn ngọc nào trong gia phả của họ Hà. Của gia bảo duy nhất chính là cái vòng tay này. Nó được trao cho con dâu trưởng của dòng họ. Với một điều kiện duy nhất là người trao nó phải thật sự yêu thương người mình chọn. Theo cổ nhân truyền lại, chiếc vòng này là chứng nhân của một câu chuyện tình bi thảm trong quá khứ. Và nó vẫn được luân chuyển trong dòng họ chỉ với một điều kiện như vậy. Có thế thì cả dòng họ mới được che chở và gặp những điều tốt lành. Nếu không thì tai ương sẽ giáng xuống. Vì sợ lời nguyền linh ứng nên anh đã không dám trao nó cho người anh kết hôn. Thay vào đó anh đã làm một chiếc thứ hai giống y hệt và trao cho cô ấy. Chiếc vòng thật được chôn giấu bí mật cùng trái tim vô chủ của anh ở đây. Cho tới khi anh gặp được em. Bây giờ anh thật lòng muốn trao nó cho em với hy vọng nó sẽ che chở và mang đến điềm lành cho em, cho những người mà chúng ta yêu quý. Hãy dũng cảm vạch mặt cái ác để cứu em trai của mình và thoát khỏi bóng tối đang giam hãm cuộc đời em. Miên nhé!”.
Gió thở dài não nuột trên mái nhà. Hương hoa ngọc lan co ro trong rét mướt. Ông đứng ở góc phòng im lặng, da diết nhìn cô đang phủ phục trên nền nhà mà khóc. Đôi vai nhỏ bé rung lên bần bật từng hồi. Tức tưởi. Nghẹn ngào. Chiếc vòng xanh trong chiếc hộp chợt ánh lên trong bóng tối rực rỡ một cách lạ kỳ. Gà đã gáy eo óc ở phía xa. Bóng ông nhòa dần rồi tan biến trong ánh sáng của một ngày mới bắt đầu ló rạng.
Biên bản pháp y ghi rõ: Bệnh nhân tử vong lúc ba giờ rưỡi sáng do sử dụng quá liều một loại biệt dược chuyên dùng cho những người bị ung thư ở thời kỳ cuối. Có thể những khối u đang di căn trong phổi khiến người bệnh không thể chịu được những cơn đau hành hạ nên đã tự ý tăng liều lượng khi sử dụng thuốc dẫn đến trụy tim đột ngột.
Di quan. Trời đổ mưa tầm tầm. Có phải ông trời cũng động lòng trước cảnh sinh ly tử biệt. Ở làng Hạ chưa có đám tang nào nhiều vòng hoa và nhiều người đưa tiễn đến thế. Học trò của ông giáo Thảo biết tin kéo về rất đông. Cái chết bất ngờ của ông giáo khiến cho cả làng Hạ bàng hoàng. Họ lặng lẽ đi bên cạnh nhau. Mỗi người một ý nghĩ riêng. Giờ mới thấy phận người sao mà quá mỏng manh làm vậy? Giờ mới thấy thương nhau biết bao nhiêu cho đủ? Đoàn người nối tiếp mãi thành một hàng dài di chuyển chậm chạp trong màn mưa mỗi lúc một dày hạt hơn. Dường như ai cũng muốn níu kéo thêm giây phút chia ly này dài ra thêm chút nữa. Khói hương quẩn nghẹn, ướt sũng. Không hiểu sao khi lên trên đỉnh đồi. Đến giờ hạ huyệt. Bỗng nhiên mưa ngừng, gió tạnh. Trời trong trẻo một cách lạ thường. Mọi người xôn xao khi chứng kiến một đàn bướm đủ màu khoảng vài chục con ở đâu bay tới đậu xuống quan tài. Rập rờn quyến luyến một lát rồi kéo nhau bay đi. Người già có kinh nghiệm bảo rằng, như vậy là người chết đã vui vẻ từ giã mọi người lên đường và để lại nhiều phúc lộc cho con cháu.
Chẳng biết điều đó có đúng không? Nhưng sau này con cháu dòng họ Hà làm ăn rất phát đạt. Học hành cũng vẻ vang. Ngôi nhà cổ của trưởng tộc họ Hà chỉ còn mở cửa vào những dịp cúng giỗ. Các con ông giáo ở xa chẳng có ai về. Cây ngọc lan vẫn đứng trầm tư ở góc vườn, âm thầm trút lá, cần mẫn dâng hương. Còn một điều đặc biệt nữa. Đó là hằng năm vào dịp giỗ ông giáo Thảo, con cháu ra thăm mộ năm nào cũng thấy ngôi mộ đã được quét dọn, nhổ cỏ sạch sẽ. Không biết ai, chỉ thấy những chân hương mới tinh và một đĩa hoa ngọc lan trắng muốt thơm ngát. Đó là thú vui tao nhã của ông giáo xưa kia. Nếu không phải nặng lòng tri ân thì chắc hẳn không còn nhớ được thói quen nhỏ nhặt của người quá cố đến như thế. Cuộc đời rộng như biển. Bóng chim tăm cá. Biết tri ân nơi nao mà tìm?
PHAN THỊ HOÀI THỦY