Khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích trồng bầu, mướp của Gia Lộc phát triển nhanh, hình thành nên những vùng sản xuất tập trung, sản lượng hàng hóa lớn.
Vụ thu năm nay, toàn huyện Gia Lộc trồng 437 ha bầu, mướp
Điển hình là các xã Toàn Thắng, Hồng Hưng, Đoàn Thượng với diện tích mỗi vùng hàng chục ha. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện vụ hè năm nay, toàn huyện có 133 ha bầu, mướp; vụ thu là 437 ha.
Từ tháng 8 đến nay, các đại lý thu mua bầu, mướp trong huyện mua với giá cao và ổn định, dao động từ 6.000 - 10.000 đồng/kg. Ông Đỗ Văn Thê ở thôn Đông Thượng, xã Đồng Quang cho biết: “Vụ hè thu năm nay, gia đình tôi trồng 4 sào bầu, bán cho các đại lý tại thôn 6.000 đồng/kg bầu ngắn, 10.000 đồng/kg bầu dài. Có ngày, gia đình tôi thu được 1 triệu đồng tiền bán bầu".
Thời vụ trồng bầu từ tháng6, sau khoảng 60 ngày cho thu hoạch lứa đầu. Giống bầu lai sinh trưởng khỏe, chịu nóng tốt. Từ tháng 6 đến nay mưa nhiều, mát mẻ nên thuận lợi cho bầu phát triển. Chi phí cho 1 sào trồng bầu gồm giống, giàn dóc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mất khoảng 1,8 triệu đồng. Thời gian thu hoạch trên 6 tháng. Mỗi sào bầu sau khi trừ chi phí cho thu lãi hơn 8 triệu đồng, nếu đầu tư phân bón nhiều và chăm sóc tốt như vụ bầu năm 2016 cho thu hơn 10 triệu đồng/sào.
Bên cạnh cây bầu, mướp lai cũng được nhiều hộ nông dân lựa chọn. Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều nhưng mướp vẫn phát triển tốt. Trồng mướp cần chú ý đắp mô cao, khi mưa lớn không bị ngập gốc. Mùa này mưa giông nhiều nên người dân chọn dóc to, cứng để bắc giàn chữ A chống đổ. Bà Nguyễn Thị Hà ở thôn Bái Hạ, xã Toàn Thắng cho biết: “Vụ mùa năm nay, gia đình tôi trồng 1 sào giống mướp Hương Việt của Công ty CP Giống cây trồng Trung ương. Năm nay, nhiều hộ trồng dưa hấu, rau cải trong xã mất mùa, còn trồng mướp, bầu rất thắng lợi. Mỗi sào cho thu nhập hàng chục triệu đồng mà lại rất dễ bán vì có các đại lý thu mua tại thôn. Hiện chúng tôi trồng bầu, mướp hầu như quanh năm, chỉ cần thay đổi chân ruộng. Muốn thu hoạch kéo dài phải đầu tư phân bón và phòng trừ sâu bệnh tốt”.
Ông Nguyễn Văn Ngô, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Toàn Thắng cho biết: “Xã tái cơ cấu ngành trồng trọt với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác, tăng thu nhập cho nông dân. Khuyến khích người dân trồng thay thế những cây đã trồng nhiều năm như dưa hấu, dưa lê, ngô giống bằng các cây mới như bầu, bí, mướp, ngô nếp, đậu bắp, cà tím, đu đủ… Các loại cây mới này ít sâu bệnh, năng suất cao, 1 sào bầu, bí, mướp thu lãi gấp 2,5-3 lần so với ngô giống”.
Trồng mướp và bầu là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công tại một số xã của Gia Lộc, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.
BÙI VĂN VIỆN