Hai trụ cột kinh doanh lớn nhất của ông Đỗ Quang Hiển hiện nay chính là Ngân hàng SHB và Tập đoàn T&T. Trong đó, T&T là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất tại Hà Nội.
Thành lập Tập đoàn T&T từ năm 1993, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) dần trở thành một trong những doanh nhân có tên tuổi nhất thủ đô.
Năm 2005, bầu Hiển đầu tư vào lĩnh vực tài chính với việc đầu tư và trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và trở thành Chủ tịch năm 2008.
Cũng chính ông là người có ảnh hưởng nhất tới thương vụ sáp nhập tái cơ cấu tự nguyện đầu tiên trong ngành ngân hàng Việt Nam. Sau 1 năm đầu tư vào ngân hàng cũng là thời điểm vị doanh nhân này đầu tư vào bóng đá với việc thành lập Câu lạc bộ Bóng đá T&T Hà Nội, tiền thân của Câu lạc bộ Hà Nội hiện nay.
Bầu Hiển và thương vụ sáp nhập 2 ngân hàng
SHB hiện là nằm trong nhóm ngân hàng tư nhân có quy mô lớn, với tổng tài sản đến cuối tháng 9 năm nay đạt hơn 357.000 tỷ đồng, tương đương với nhóm ngân hàng Techcombank, VPBank, Sacombank, MBBank và ACB trên bảng xếp hạng tài sản.
Tuy nhiên, giai đoạn trước 2010, SHB vẫn được coi là ngân hàng nhỏ và khó có thể cạnh tranh được với các ngân hàng thương mại tư nhân khác với tiềm lực vốn từ các đại gia Đông Âu đầu tư về khi đó.
Bầu Hiển và SHB trở nên đình đám từ năm 2012 khi nhà băng này được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sáp nhập Habubank (1 trong 9 ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu) vào hệ thống. Đây chính là thương vụ tái cơ cấu tự nguyện đầu tiên trong ngành ngân hàng khi đó.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB |
Chia sẻ ở thời điểm đó, ông Hiển cho biết để có được hệ thống chi nhánh, nhân sự và mạng lưới khách hàng của Habubank, SHB phải mất ít nhất 5 năm. Nhưng với việc sáp nhập Habubank vào hệ thống, SHB rút ngắn được xuống đúng 3 tháng, tiết kiệm được chi phí và thời gian.
Thương vụ này đã giúp SHB từ một ngân hàng cỡ nhỏ với vốn điều lệ 4.816 tỷ, tổng tài sản khoảng 71.000 tỷ năm 2011, trở thành ngân hàng thuộc nhóm giữa hệ thống với vốn điều lệ tăng lên 8.866 tỷ đồng và tổng tài sản 116.500 tỷ đồng vào cuối năm 2012.
Tại thời điểm sáp nhập, số lỗ lũy kế Habubank chuyển sang SHB là hơn 1.660 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay trong năm 2012, ngân hàng đã ghi nhận hơn 1.686 tỷ đồng lãi ròng sau thuế, qua đó bù đắp toàn bộ khoản lỗ lũy kế từ việc sáp nhập nói trên.
Sau thương vụ, quy mô tài sản và các chỉ số huy động - cho vay của SHB tăng trưởng nhanh trong những năm tiếp theo. Trong đó, tổng tài sản ngân hàng tăng bình quân 25%/năm, cho vay tăng 31% và huy động vốn khách hàng tăng 32% trong giai đoạn từ 2011 đến nay.
Trong năm gần nhất (2018), nhà băng này ghi nhận 6.742 tỷ tổng doanh thu và lãi ròng 1.672 tỷ đồng. Dù đều đặn báo lãi 1.000-2.000 tỷ đồng mỗi năm, SHB vẫn chưa có tên trong nhóm ngân hàng có lợi nhuận cao nhất khối ngân hàng tư nhân cùng quy mô.
Cũng thông qua SHB, bầu Hiển sáng lập và là cổ đông lớn nắm đa số vốn tại hai định chế tài chính nghìn tỷ gồm Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) và Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH).
Trụ cột kinh doanh Tập đoàn T&T
Bên cạnh ngân hàng, Tập đoàn T&T là trụ cột kinh doanh chính của bầu Hiển với 7 lĩnh vực, gồm: Tài chính và đầu tư; bất động sản; hạ tầng giao thông, cảng biển, logistics; công thương; khoáng sản, năng lượng; y tế - giáo dục - thể thao.
Đến cuối năm 2018, tập đoàn này có tới 60 công ty con và liên kết với quy mô vốn điều lệ 15.000 tỷ, tổng tài sản trên 35.000 tỷ đồng.
Thông qua T&T, ông Hiển đang là cổ đông lớn nhất tại SHB. Hai định chế tài chính mà ông bầu thủ đô là cổ đông lớn thì Công ty Chứng khoán SHS có vốn điều lệ 2.295 tỷ đồng, doanh thu 2 năm gần nhất đạt trên 1.000 tỷ đồng và lãi sau thuế xấp xỉ 360 tỷ đồng/năm. Công ty BSH cũng có vốn 1.000 đồng tỷ và doanh thu bình quân 2 năm gần nhất hơn 700 tỷ đồng, lợi nhuận gần 10 tỷ đồng.
T&T là doanh nghiệp sở hữu riêng một cảng biển Cảng Quảng Ninh |
Bầu Hiển cũng chính là người đã chi gần 500 tỷ đồng để mua lại 98% cổ phần tại Cảng Quảng Ninh trong đợt thoái vốn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines. Hiện tại, Cảng Quảng Ninh có tổng tài sản hơn 2.400 tỷ đồng, doanh thu 9 tháng đầu năm đạt gần 4.200 tỷ đồng và lãi ròng 50 tỷ đồng. Những năm trước đó, mỗi năm Cảng Quảng Ninh cũng mang về ông bầu đất thủ đô trên dưới 70 tỷ đồng lãi ròng.
Cũng chính T&T là doanh nghiệp chi hơn 1.200 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn sở hữu 25% vốn tại Vinafood 2. Đến cuối tháng 9, công ty này có tổng tài sản, hơn 8.300 tỷ đồng, doanh thu từ đầu năm ghi nhận 12.800 tỷ đồng nhưng lỗ ròng 59 tỷ đồng.
Ngoài ra, bầu Hiển còn hàng loạt khoản đầu tư tại các doanh nghiệp cổ phần hóa khác của Nhà nước như 50% vốn tại Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội) - đơn vị thành viên của Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro); cổ đông chiến lược của Bệnh viện Giao thông Vận tải, Bia Việt Hà, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor); Tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexco)…
Tập đoàn của ông bầu này cũng chính là doanh nghiệp được phê duyệt tham gia đầu tư dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD. Dự án mà phải làm bằng “tiền thật” như lời ông bầu này từng chia sẻ.
T&T Group cũng đã bắt tay với đối tác Bouygues của Pháp để triển khai dự án xây dựng, cải tạo sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) vốn đầu tư 283 triệu USD.
Không công bố tình hình tài chính và kết quả kinh doanh hàng năm, nhưng thông qua khoản đầu tư giá trị hàng nghìn tỷ đồng tại các công ty thành viên đủ thấy tiềm lực của ông bầu đất thủ đô.
Theo Zing.vn