Từ 8 giờ sáng 24.3, hơn 50 triệu cử tri Thái Lan lần đầu tiên sau 8 năm mới được đi bỏ phiếu để chọn ra nhà lãnh đạo mới của đất nước.
Đây là cuộc bầu cử đầu tiên theo Hiến pháp mới năm 2017 và sẽ đánh dấu một bước quá độ sang thiết lập lại một chính phủ dân bầu sau nhiều năm cầm quyền của các quân nhân. Đáng chú ý, quân đội sẽ vẫn có ảnh hưởng cao đối với bất kỳ chính phủ nào lên cầm quyền sau bầu cử.
Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) có quyền lựa chọn và bổ nhiệm 250 thượng nghị sĩ mà lá phiếu của họ có thể quyết định ai là thủ tướng tương lai. Đặc biệt, tham gia chạy đua vào ghế thủ tướng lần này có Đại tướng Prayut Chan-ocha, người lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự 5 năm trước.
Đây cũng sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi Quốc vương Bhumibol Adulyadej qua đời ngày 13.10.2016 và chính phủ thành lập sau bầu cử sẽ được sự phê chuẩn của Nhà vua Vajiralongkorn, người sẽ chính thức đăng quang vào tháng Năm tới.
Có thể nói đây là một trong những cuộc bỏ phiếu có luật lệ phức tạp nhất trong lịch sử chính trị Thái Lan, và kết quả cuối cùng đảng nào sẽ thành lập chính phủ kế tiếp phụ thuộc vào một loạt yếu tố. Ở lần bầu cử này, luật bầu cử đã đặt ra “Hệ thống bầu cử hỗn hợp” khá phức tạp.
Bên cạnh việc bầu hạ nghị sỹ theo khu vực tranh cử, tổng cộng tất cả các lá phiếu cử tri đi bầu hợp lệ sẽ được chia đều cho 500 ghế để ra một con số cử tri trung bình cho mỗi ghế.
Dựa vào đây, các lá phiếu bầu cho mỗi đảng trên khắp cả nước sẽ được cộng dồn chia cho tỷ lệ trên để ra số ghế mà đảng này có thể có. Từ đó, sẽ chọn ra hạ nghị sỹ theo danh sách đảng đã đăng ký từ trước.
Cử tri Thái Lan bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử tại một điểm bầu cử ở Bangkok ngày 24.3.2019. ẢNh: AFP/TTXVN
Khác với cuộc bầu cử trước đó, khi lãnh đạo đảng hoặc liên minh đảng thắng cử sẽ nghiễm nhiên trở thành thủ tướng, nay thủ tướng lại do 750 thượng nghị sỹ và hạ nghị sỹ bỏ phiếu bầu trong một cuộc họp chung khi quốc hội mới nhóm họp.
Luật bầu cử mới đã hạn chế việc các đảng có thể giành tới 376 ghế trong Hạ viện, khiến khả năng các đảng tạo thành liên minh là rất lớn. Từ kết quả thăm dò được các viện nghiên cứu công bố, có thể thấy đảng Pheu Thai vẫn đang dẫn đầu, dự kiến giành được khoảng 120-160 ghế trong tổng số 500 ghế hạ viện.
Đứng thứ hai là đảng Dân chủ với khoảng từ 100-120 ghế. Kế tiếp là đảng Palang Pracharat với khoảng từ 90-110 ghế. Đây là ba đảng lớn nhất hiện nay trên chính trường và nếu hai trong ba đảng này không liên kết với nhau để thành lập chính phủ thì chắc chắn sẽ không đủ số ghế hạ viện quá bán nhằm duy trì sự ổn định của chính phủ. Kể cả việc một trong ba đảng này liên kết với tất cả các đảng nhỏ còn lại thì cũng sẽ không vượt quá nửa số ghế trong hạ viện.
Nhờ luật bầu cử mới, quân đội Thái Lan với tư cách là một lực lượng chính trị, hiện đang rất có lợi thế cho vị trí thủ tướng, bởi Thủ tướng đương nhiệm, Đại tướng Prayuth Chan-ocha cũng đang là Chủ tịch NCPO. Ông Prayuth được Palang Pracharat, một đảng mới ra đời nhưng lại có sự góp mặt của rất nhiều cựu tướng lĩnh và sỹ quan quân đội ủng hộ.
Một nhân tố ủng hộ ông Prayuth nữa là đảng Ruamphalang của cựu Phó Chủ tịch đảng Dân chủ, cựu thủ lĩnh phong trào Áo Vàng, ông Suthep Thaugsuban. Với ít nhất hai đảng đã ra mặt ủng hộ, ông Prayuth cần phải có ít nhất 126 ghế trong tổng số 500 ghế để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ, qua đó tiếp tục duy trì sự kiểm soát trực tiếp của phe quân sự trong chính trường Thái Lan.
Hiện nay, đảng Pheu Thai đang có xu hướng dẫn đầu, nhưng khả năng đứng lên thành lập chính phủ khó có thể xảy ra, vì đảng Dân chủ không chấp nhận liên kết với đảng này. Ngược lại, đảng này lại không chấp nhận liên kết với đảng Palang Pracharat.
Do đó, khả năng cao là đảng Pheu Thai có thể sẽ dẫn đầu, nhưng vẫn phải chấp nhận làm đảng đối lập trong quốc hội. Khả năng đảng này liên minh với đảng Tương lai mới cũng khá cao do hai bên chia sẻ nhiều quan điểm về tổ chức lại nền chính trị Thái Lan theo hướng gạt bỏ ảnh hưởng của quân đội và các lực lượng truyền thống.
Với đảng Dân chủ, nếu sau bầu cử, đảng đứng thứ hai và đảng Palang Pracharat đứng thứ ba thì khả năng cao đảng Dân chủ sẽ lãnh đạo việc thành lập chính phủ liên kết với đảng Palang Pracharat. Khi đó việc chủ tịch đảng Dân chủ làm thủ tướng hay ông Prayuth tại nhiệm sẽ phụ thuộc vào kết quả mặc cả của hai bên.
Trong một tuyên bố gần nhất, Chủ tịch đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã chính thức nói không ủng hộ ông Prayuth tại nhiệm, song bỏ ngỏ khả năng sẽ bắt tay cùng đảng Palang Pracharat.
Theo giới quan sát, đây là một bước đi cuối cùng nhằm kêu gọi sự ủng hộ của những cử tri đang còn phân vân chưa biết sẽ lựa chọn đảng nào giữa đảng Dân chủ và những đảng có khuynh hướng chính trị tương đồng đảng này. Và cũng có thể là điều kiện mặc cả của ông Abhisit để liên minh với Palang Pracharat.
Với đảng Palang Pracharat, nếu đảng này thắng cử ở vị trí thứ hai, đảng Dân chủ ở vị trí thứ 3, Palang Pracharat sẽ là đảng lãnh đạo thành lập chính phủ liên hiệp cùng với đảng Dân chủ. Khả năng cao ông Abishit sẽ phải rút lui trong trường hợp này vì trước đó, chủ tịch đảng Dân chủ từng tuyên bố, nếu sau bầu cử mà đảng này không được ít nhất là 100 ghế hạ nghị sĩ thì ông sẽ từ chức.
Dư luận luôn cho rằng việc nắm trong tay toàn quyền như hiện nay của Thủ tướng Prayuth, việc có 250 thượng nghị sĩ cùng tham gia bỏ phiếu bầu thủ tướng là một lợi thế “chắc thắng” của đảng Palang Pracharat, vì vậy chỉ cần thêm 126 ghế hạ nghị sĩ nữa là đảng Palang Pracharat có thể thành lập được chính phủ của mình.
Tuy nhiên, đây cũng không phải chuyện đơn giản một chiều. Thành lập được chính phủ với thiểu số ghế trong hạ viện là việc không quá khó. Chỉ cần đạt được quá bán sự ủng hộ trong quốc hội (376 ghế trên tổng số 750 ghế quốc hội) là có thể thành lập được chính phủ và bầu được thủ tướng. Nhưng sẽ vô cùng khó khăn trong việc duy trì sự ổn định và tồn tại của chính phủ đó.
Chắc chắn chính phủ đó sẽ không thể tồn tại được lâu và sẽ lại bùng phát các bất ổn. Lịch sử chính trị Thái Lan đã từng có việc chính phủ được bầu bị giải thể vì không giành được tiếng nói quyết định trong nghị viện.
Đến đây, mọi thứ sẽ quay về quyền quyết định của cử tri, những người cũng đang đứng trước lựa chọn khó khăn. Đó không phải chỉ là chọn bầu một chính đảng cụ thể nào, mà sẽ chọn giữa việc giữ lại chính quyền hiện tại hay thay đổi chính quyền mới.
Quan điểm phổ biến là chính quyền hiện tại được cho làm tốt việc gìn giữ hòa bình và trật tự tại Thái Lan trong gần 5 năm qua, nhưng chưa thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển nền kinh tế.
Ở đây vai trò của những người đã từng ủng hộ chính phủ cũ trở nên nổi bật, họ đa phần sinh sống ở các tỉnh chứ không phải ở Bangkok và không phải là tầng lớp trung lưu, mà tâm thế chung của của người dân ở Bangkok và các đô thị là e sợ sự hỗn loạn.
Một bộ phận cử tri đáng chú ý và được xem có khả năng đóng vai trò “làm lệch đòn cân” - những người trẻ muốn thay đổi, ước tính khoảng 3 triệu người. Những người này đa phần là lần đầu tiên được thực hiện quyền bầu cử và chắc chắn rất háo hức thể hiện quan điểm của giới trẻ, với các nhận thức và giá trị mới.
Gần 8 năm qua người dân Thái Lan đã không được sử dụng quyền bầu cử của mình để chọn chính phủ. Người dân muốn được bầu cử và hầu hết họ có xu hướng không quan tâm đến đảng phái nào, đơn giản chỉ muốn có một chính phủ mới với những gương mặt mới. Đó cũng có thể là một sự lý giải khá thuyết phục cho kết quả bầu cử, dự kiến được công bố sơ bộ vào cuối ngày hôm nay.
Theo TTXVN