Rất khó có thể kết luận “tư tưởng Donald Trump” sẽ dẫn dắt nước Mỹ vĩ đại trở lại theo cách riêng hay sẽ bị loại bỏ, cho dù chiến thắng có thuộc về bất kỳ đảng nào.
Thành thực mà nói, Tổng thống Mỹ Donald Trump không “được lòng” nhiều người dân Mỹ cũng như đồng minh. Vài hôm nữa, ngày 6.11, những người hoài nghi “nước Mỹ phong cách Donald Trump” chắc chắn sẽ sát sao dõi theo cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ.
Hai năm kể từ thời điểm Donald Trump bước vào Nhà Trắng, vốn gây ngạc nhiên cho rất nhiều nhà quan sát thời điểm đó, bao nhiêu công dân Mỹ đã quay sang ủng hộ mục tiêu Donald Trump hướng tới? Liệu rằng cử tri Mỹ sẽ lựa chọn những nghị sĩ ủng hộ đường lối Donald Trump, ngay cả khi điều này có thể làm suy yếu ảnh hưởng của siêu cường Mỹ trên trường quốc tế? Liệu đảng Dân chủ sẽ đủ sức mạnh giành lại quyền “kiểm soát luật chơi” tại Washington, từng bước củng cố niềm tin cử tri về một “nước Mỹ toàn cầu”?
Liệu Mỹ sẽ có cơ hội lấy lại “danh dự quốc tế”?. Ảnh: Adam Smith Institute
Nước Mỹ dưới thời Donald Trump dường như đã bước ra khỏi “lối mòn”, song cũng chính sự “bất quy tắc” mang tên Donald Trump ấy nhiều phen gây hoang mang thế giới, thổi bùng “ngọn lửa hoài nghi” trong lòng cử tri. Hy vọng từ người dân Mỹ vào một chiến thắng dành cho đảng Dân chủ đang ngày một lớn dần.
Nhiều ý kiến cho rằng Donald Trump, vị Tổng thốngvới mục tiêu đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại, có rất ít cơ hội để tiếp tục là người đứng đầu Nhà Trắng sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Điều này cho thấy sự ủng hộ “nước Mỹ toàn cầu” vẫn mạnh mẽ trong lòng nước Mỹ. Đây là sức ép rất lớn mà Donald Trump cần tìm cách vượt qua nếu không muốn bị đánh bại vào năm 2020.
Tại kỳ bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ lần này, trong tổng số 435 ghế Hạ viện được bầu lại có 240 nghị sĩ Cộng hòa và 195 nghị sĩ Dân chủ. Trong khi đó, mỗi bên cần tối thiểu 218 ghế để chiếm đa số hay giành quyền kiểm soát Hạ viện. Điều đó có nghĩa là đảng Dân Chủ đang cần thêm 23 ghế nữa, còn đảng Cộng hòa chỉ cần bảo vệ 218 số ghế trong tổng số 240 ghế hiện tại. Hạ viện được xây dựng dựa trên dân số. Các bang đông dân sẽ có nhiều đại biểu đại diện hơn. Trong khi đó, mỗi bang chỉ có hai thượng nghị sĩ dù bang đó lớn hay nhỏ.
Với Thượng viện, mỗi đảng cần tối thiểu 51 ghế để chiếm đa số, đồng nghĩa với việc giành quyền kiểm soát Thượng viện. Hiện tại, đảng Cộng hòa đang chiếm 51 ghế còn đảng Dân chủ chiếm 49 ghế trong Thượng viện. Trong số 35 ghế được bầu lại, các nghị sĩ đảng Dân chủ sẽ cần 26 ghế trong khi đảng Cộng hòa chỉ cần 9 ghế để chiếm đa số trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này.
Diễn biến những ngày qua cho thấy đảng Dân chủ nhiều cơ hội chiến thắng tại Hạ viện, song ít có cơ hội kiểm soát Thượng viện. Tuy nhiên, ngay cả khi đảng Dân chủ giành chiến thắng cũng chưa thể nói rằng Mỹ sẽ quay trở lại “sân chơi quốc tế” như trước. Cử tri Mỹ ủng hộ ứng viên của đảng Dân chủ không đồng nghĩa với việc phản đối chính sách của Donald Trump. Chính sách đối ngoại Washington thời gian tới sẽ thay đổi theo chiều hướng nào vẫn còn là vấn đề khó đoán.
Giới chức đảng Dân chủ Mỹ, những người có tư tưởng đối lập với Donald Trump, đã chỉ trích gay gắt cách thức dẫn dắt đất nước của vị Tổng thống đương nhiệm. Nghị sĩ đảng này cho rằng việc Nhà Trắng dần rời bỏ các cơ chế đa phương, rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu cũng như Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) về vấn đề hạt nhân Iran đang dần khiến nước Mỹ đánh mất vị thế và tầm ảnh hưởng. Những chính trị gia đảng Dân chủ cho rằng “hàn gắn” mối quan hệ Mỹ-đồng minh nên được coi là ưu tiên trong chính sách ngoại giao hiện tại. Đặc biệt là những đồng minh chiến lược như Đức, quốc gia vốn cảnh báo châu Âu hồi năm 2017 về sự xói mòn lòng tin với Mỹ. Ngoài ra, đảng này chỉ trích mạnh mẽ khuynh hướng quân phiệt và đơn phương của Mỹ dưới thời Donald Trump. Song đây có thể là bước đi nhằm tranh thủ dư luận trước thềm bầu cử tới đây.
Mặc dù phản đối gay gắt chính sách đối ngoại hiện tại của Nhà Trắng, song hầu hết giới tinh hoa chính trị đảng Dân chủ lại không thể cam kết sẽ “đưa siêu cường trở lại” thời kỳ trước khi Trump đắc cử. Có thể thấy rõ điều này từ vấn đề tự do thương mại. Trong khi một số nghị sĩ đảng Dân chủ tranh thủ “lợi dụng thời cơ” bằng việc phản đối chính sách thuế quan cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện tại, số khác lại cho rằng chính tự do hóa thương mại đã khiến nền kinh tế Mỹ suy yếu. Theo một số chuyên gia, nhiều nghị sĩ Dân chủ trong Quốc hội Mỹ cho rằng chính sách mở rộng ngoại thương từ thời Barack Obama không thực sự hiệu quả. Đây có thể là một trong nhiều nguyên nhân khiến nước Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như một số hiệp định thương mại tự do khác.
Tuy nhiên, mặc dù tồn tại bất đồng về tự do hóa thương mại trong nội bộ đảng Dân chủ, chính giới đảng này cũng từng nhiều lần chỉ trích thẳng thắn chủ nghĩa dân tộc của Donald Trump.
Thực tế, sự thất vọng từ người dân Mỹ về mối quan hệ giữa siêu cường này với phần còn lại của thế giới đã xuất hiện từ trước thời kỳ Donald Trump. Hội nhập kinh tế sâu sắc, những cuộc chiến dường như không hồi kết tại khắp các mặt trận trên thế giới, vấn đề người nhập cư, vấn đề đa sắc tộc-đa văn hóa đã khiến người dân Mỹ bất mãn. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 là minh chứng rõ nhất rằng cử tri và giới tinh hoa chính trị Mỹ khi đó không thể tiếp tục “đi chung đường”. Donald Trump xuất hiện với lời hứa phá bỏ cấu trúc quốc tế tự do hiện có của Mỹ, vốn được lãnh đạo lưỡng đảng ủng hộ trong hơn 7 thập kỷ.
Dư luận thế giới có thể hy vọng vào sự xuất hiện của một “làn sóng xanh” những ngày cuối năm 2018. Mặc dù Donald Trump cùngđảng Cộng hòa đã nắm trong tay gần như tất cả những quân bài chiến lược nhằm giúp đảng này giành trọn quyền kiểm soát Quốc hội. Tuy nhiên, nếu Quốc hội nằm dưới tay đảng Cộng hòa, con đường đưa Mỹ lấy lại vị thế quốc tế sẽ trở nên xa xăm hơn bao giờ. Đó là điều những cử tri hoài nghi Donald Trump không mong muốn.
Rất khó để cho rằng nghị sĩ đảng Dân chủ sẽ dễ dàng toàn thắng, giành lại quyền kiểm soát cơ quan lập pháp tại kỳ bầu cử năm nay cũng như kỳ bầu cử 2 năm tới. Hơn nữa, đảng Dân chủ không thể “đơn thương độc mã” đưa Washington giành lại vai trò “người dẫn dầu” trên trường quốc tế. Ngoài ra, vấn đề “tư tưởng Donald Trump” vẫn là điều đảng Cộng hòa bảo vệ. Cho đến lúc đó, đảng Dân chủ khó có thể thuyết phục những nghị sĩ Cộng hòa vềlợi ích từ thương mại tự do, từ khối đồng minh hay từ cơ chế hợp tác đa phương nào đó.
Rốt cục, nước Mỹ dường như không có cơ hội lấy lại vị thế và tầm ảnh hưởng then chốt từ một siêu cường như trước đây, trừ phi cử tri, quyền lợi nhóm, các đảng phái chính trị cũng giới lãnh đạo Mỹ cùng đồng thuận. Đây là viễn cảnh gần như sẽ không xảy ra. Mỹ dưới thời Donald Trump sẽ xây dựng cho mình một con đường riêng, thoái lui khỏi nhiều cơ chế hợp tác theo khuynh hướng đơn phương hóa. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu chỉ nói Mỹ rút khỏi các cơ chế đa phương. Diễn biến gần đây nhất liên quan đến Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) cho thấy không chỉ đa phương, Nhà Trắng sẵn sàng từ bỏ hợp tác trong cả cơ chế song phương nếu cho rằng lợi ích bị ảnh hưởng. Sau 2 năm nhiệm kỳ Tổng thống của Donald Trump, vẫn còn quá sớm để nhận định hướng đi của Mỹ, cho dù chiến thắng giành cho bất kỳ đảng nào trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.
HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)