Sáng 24-10, PC 44Công an TP.HCMđã bắt khẩn cấp 2giám đốc vì có liên quan trực tiếp đến vụ chìm ca nô trên biển Cần Giờ ngày 2-8 làm 9 người chết.
Ông Vũ Văn Đảo được đưa lên xe Công an TP.HCM từ văn phòng công ty để về khám xét tại nhà riêng -
Cùng thời gian, một mũi khác của PC 44 Công an TP.HCM cũng bắt khẩn cấp ông ông Đinh Văn Quyết (43 tuổi) - giám đốc công ty cổ phần Vũng Tàu Marina - vì có liên quan trực tiếp đến vụ chìm ca nô trên biển Cần Giờ ngày 2-8 làm 9 người chết.
Theo đại tá Nguyễn Minh Thông ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết bị bắt về hành vi “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”, theo điều 214 Bộ luật hình sự. Đầu giờ chiều cùng ngày, PC 44 Công an TP.HCM đã di lý ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết về trại giam Chí Hòa (TP.HCM) để phục vụ công tác điều tra.
Sáng nay, tại Vũng Tàu, theo quan sát của phóng viên Tuổi Trẻ, ba xe của Công an TP.HCM đã đến KCN Đông Xuyên (phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu) nơi có văn phòng của Công ty Việt-Séc để tiến hành việc bắt, khám xét văn phòng.
Đến gần 11g30, một xe đưa ông Vũ Văn Đảo về nhà riêng tại đường Lê Hồng Phong, phường 7, TP Vũng Tàu. Tại đây, quá trình làm thủ tục kéo dài đến 13g mới kết thúc. Trước khi về nhà riêng ông Đảo, xe Công an TP.HCM đã đến Công an phường Rạch Dừa và Công an phường 7, TP Vũng Tàu để làm các thủ tục.
Một nguồn tin của PV tại cảng vụ hàng hải TP.HCM (đơn vị điều tra vụ việc và chuyển kết luận sang PC 44 Công an TP.HCM vào ngày 22-8) cho biết ngay trong kết luận ban đầu về nguyên nhân vụ chìm ca nô trên biển Cần Giờ cơ quan này đã có đặt ra vấn đề trách nhiệm của Công ty Việt-Séc và công ty cổ phần Vũng Tàu Marina.
Đây là hai đơn vị đang sử dụng ca nô H29 BP và điều động ca nô này đi chở nhân viên của Nhà máy sản xuất ống thép dầu khí (PV Pipe) từ vảng Vàm Láng (Tiền Giang) về Vũng Tàu và gặp nạn tại khu vực Cồn Ngựa do chở đến 30 người, trong khi tải trong của ca nô H29 BP chỉ chở được 12 người.
Ngoài ra, theo kết quả điều tra, một số cá nhân đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa, có dấu hiệu che giấu thông tin liên quan đến vụ tai nạn, không kịp thời báo tin cho Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3, dẫn đến việc ứng cứu không kịp thời và xảy ra hậu quả bi thảm.
Trước đó, trao đổi với PV luật sư Hà Hải (VP Luật sự Hà Hải, TP.HCM) cho biết ngày 21-10, đại diện theo ủy quyền của gia đình 9 nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ chìm cà nô trên biển Cần Giờ, luật sư Hà Hải đã yêu cầu công ty cổ phần Việt Séc phải bồi thường thiệt hại.
Gia đình các nạn nhân cho biết, sau hơn hai tháng từ khi vụ chìm ca nô bi thảm xảy ra họ chưa nhận được bất cứ sự thăm hỏi, đền bù nào từ phía công ty cổ phần Việt-Séc và Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina, hai đơn vị đã điều động ca nô H29BP, dẫn đến tại nạn vào ngày 2-8.
Hải trình bi thảm của ca nô H29 BP Ca nô H29 BP thuộc sở hữu của đồn biên phòng cảng, cửa khẩu Vũng Tàu. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, ca nô H29 BP đang trú tại cảng của Công ty cổ phần Việt-Séc để sửa chữa. Tuy nhiên Công ty cổ phần Việt-Séc đã tự ý cho Công ty cổ phẩn Vũng Tàu Marina mượng để đi chở khách vào chiều 2-8. Đối tượng hành khách là 30 người là nhân viên của nhà máy sản xuất ống thép dầu khí (PV Pipie) từ cảng Vàm Láng (Tiền Giang) đi Vũng Tàu. Do chở quá tải và gặp sóng lớn, khi đến khu vực Cồn Ngựa (Cần Giờ), ca nô H29 BP bị sóng đánh lật úp vào khoảng 19g cùng ngày. Đến 21g, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 tại Vũng Tàu mới nhận được tin báo và triển khai các lực lượng cứu nạn trong vòng 30 phút sau đó. Do thời gian ca nô chìm khá lâu nên đến 4g sáng 3-8, mới cứu được 21 nạn nhân, 9 người còn lại bị sóng biển cuốn trôi, đến ngày 7-8 mới hoàn tất việc tìm kiếm xác nạn nhân. |
ĐÔNG HÀ - VIỄN SỰ - ĐỨC THANH (tuổi trẻ)