Bất động sản nghỉ dưỡng điêu đứng vì COVID-19

26/03/2020 14:09

Nghiên cứu của Savills cho thấy bất động sản nghỉ dưỡng đang đối mặt với những kịch bản tồi tệ, trong đó công suất phòng khách sạn nhiều nơi lao dốc.

Savills vừa công bố nghiên cứu tác động của đại dịch đối với ngành bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam. Trong đó, công ty dự báo kịch bản tồi tệ nhất 10 năm đang đến gần khi tình trạng hạn chế di chuyển được thực hiện quyết liệt để ngăn dịch bệnh lây lan. Các chính sách liên quan đến việc di chuyển bằng đường hàng không, cấp thị thực và các biện pháp phòng ngừa Covid-19 là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành này.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương phân tích, Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường quan trọng nhất đối với ngành du lịch Việt Nam, chiếm tới 56% lượng khách quốc tế trong năm 2019. Hai tuần qua, dịch bệnh đã trở nên phức tạp hơn tại khu vực châu Âu và Mỹ, trong bối cảnh 2 thị trường này cũng chiếm tới 17% tổng lượt khách đến Việt Nam năm ngoái.

Để ngăn chặn sự lây lan của virus, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố tạm thời cấm nhập cảnh đối với các du khách nước ngoài. Đây là một chiến lược tốt để giảm tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm dù có thể sẽ gây ra tác động mạnh mẽ đến thị trường du lịch Việt Nam do mất đến 73% lượng khách quốc tế tiềm năng.

Trên thực tế, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm mạnh trong hai tháng đầu năm khi Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 giảm 37,7% so với tháng trước, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến sẽ giảm sâu hơn trong những tháng tới.

Bưu điện TP HCM vắng khách tham quan do lo sợ dịch nCoV. Ảnh:Tâm Linh.

Bưu điện TP HCM vắng khách tham quan do lo sợ nCoV. Ảnh:Tâm Linh.

Nhiều thị trường du lịch khác trên toàn cầu cũng bị sụt giảm lượng khách quốc tế không kém Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên lượng khách quốc tế trên toàn cầu sụt giảm sau chuỗi 10 năm tăng trưởng liên tiếp. Từ đó, cho thấy sức công phá của Covid-19 đến ngành công nghiệp không khói lớn hơn các quan ngại thông thường.

Tại Việt Nam, nhu cầu du lịch nội địa cũng giảm mạnh do người dân e ngại khi phải đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, ga tàu, nhà hàng và khu vui chơi giải trí.

Theo STR - đơn vị cung cấp dữ liệu về ngành kinh doanh khách sạn toàn cầu, trong tháng 2, công suất phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương đã sụt giảm mạnh, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia có mức giảm đáng kể nhất.

Công suất phòng khách sạn tại Việt Nam đã giảm 26% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. Các điểm đến sôi động nhất cả nước như TP HCM và Hà Nội chỉ còn ghi nhận công suất phòng lần lượt là 48% và 60%. Tuy nhiên, lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế cùng với mối lo ngại lây lan dịch bệnh của khách nội địa đã khiến cho công suất phòng đạt được trong ba tuần đầu tiên của tháng 3 giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Trong số các thủ phủ du lịch nghỉ dưỡng ven biển, Đà Nẵng, Hội An đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều dự án chỉ đạt mức công suất dưới 10%. Thậm chí ở một số dự án chủ đầu tư còn đang xem xét việc tạm ngưng hoạt động thời gian tới. Phú Quốc duy trì được mức công suất khoảng 40% trong tháng 2, song việc tạm ngưng các chuyến bay trong thời gian tới sẽ làm sụt giảm đáng kể công suất phòng.

Trong tháng 3, khách sạn tại các thành phố lớn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng, dẫn tới việc sụt giảm công suất xuống chỉ còn một chữ số tại TP HCM. Trong bối cảnh rất nhiều khách sạn đã và đang nhận được lượng lớn các yêu cầu hủy phòng như hiện nay, diễn biến thị trường này trong những tháng tới chưa có biểu hiện tích cực và khó khăn vẫn chồng chất.

Việc ngành bất động sản nghỉ dưỡng đứng trước vòng xoáy khủng hoảng do tác động của Covid-19 không phải là diễn biến bất ngờ. Savills thống kê lại trong lịch sử, ngành công nghiệp không khói rất dễ bị ảnh hưởng bởi các bất ổn về kinh tế - xã hội. Điều này đã từng được chứng minh qua các sự kiện: khủng bố ngày 11.9, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đại dịch SARS 2003 hay khủng hoảng thiên tai, bất ổn chính trị như động đất - sóng thần tại Nhật Bản, đánh bom ở Bali năm 2002...

Thông thường, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ. Theo dữ liệu của STR, sau khi đại dịch SARS xảy ra vào năm 2003, công suất phòng khách sạn ở khu vực châu Á Thái Bình Dương đã phục hồi hoàn toàn trong 2-3 tháng sau khi đại dịch được kiểm soát. Tuy nhiên, Covid-19 có quy mô lớn hơn và có tác động mạnh mẽ hơn đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, thời gian phục hồi lần này sẽ chậm hơn. Khách du lịch nội địa dự kiến trở lại trong ngắn và trung hạn còn khách quốc tế sẽ phục hồi lâu hơn.

Ông Mauro đánh giá, ngành du lịch Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh và điều này dự kiến còn kéo dài tới hết năm 2020. Tuy nhiên, khi nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực, các sự kiện trước đây đã chứng minh rằng du lịch là ngành công nghiệp có khả năng phục hồi nhanh hơn so với những ngành nghề khác.

Bên cạnh đó, Việt Nam có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa cũng như các nguồn khách từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc hứa hẹn phục hồi khi dịch bệnh qua đi. Những yếu tố này có lợi cho Việt Nam bởi sau đại dịch, đây có thể sẽ là những nhóm khách đầu tiên trở lại thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Bất động sản nghỉ dưỡng điêu đứng vì COVID-19