Khi còn quá nhiều khác biệt trong lập trường của hai phe cường quốc, nhiều người nhận định Syria vẫn chưa có lối thoát.
Hàng chục nghìn người ở Hama đã xuống đường biểu tình lên án vụ thảm sát làm khoảng 200 người thiệt mạng
Trước tình hình bất ổn không ngừng gia tăng tại Syria (Xi-ri), cộng đồng quốc tế liên tục có những động thái nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, khi còn quá nhiều khác biệt trong lập trường của hai phe cường quốc - một bên là Mỹ và phương Tây, một bên là Nga và Trung Quốc, nhiều người nhận định Syria vẫn chưa có lối thoát.
Bạo lực tiếp tục gia tăngRạng sáng 13-7 (giờ Việt Nam), Truyền hình nhà nước Syria đưa tin, các nhóm vũ trang vừa gây ra vụ thảm sát đẫm máu ở làng Traimseh (Trai-xê) thuộc tỉnh Hama (Ha-ma), miền Trung Syria. Ít nhất 200 người đã bị giết hại ở ngôi làng này. Theo Truyền hình Syria, các nhóm vũ trang đã xả súng loạn xạ vào người dân làng này khiến người dân ở đây phải tìm kiếm sự trợ giúp của binh sĩ Syria. Trong khi đó, lực lượng đối lập lại cáo buộc binh sĩ chính phủ gây ra vụ thảm sát này. Đây là vụ thảm sát thứ ba ở Syria và là vụ thứ hai ở tỉnh Hama chỉ trong 2 tháng qua.
Ngay sau vụ thảm sát đẫm máu xảy ra, Liên hợp quốc và nhiều nước đã kịch liệt lên án vụ thảm sát mới nhất này. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh, trong số những người người thiệt mạng có hàng chục tay súng nổi dậy chứng tỏ quân đội Chính phủ Syria là "tác giả" của vụ thảm sát. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (Hi-la-ri Clin-tơn) sáng 14-7 đã bày tỏ sự tức giận đối với các bản báo cáo về một vụ tấn công do Chính phủ Syria tiến hành vào khu vực Hama. Bà Cllinton nói rằng, các bản báo cáo về vụ tấn công nhằm vào ngôi làng Traimseh, bao gồm việc sử dụng pháo, xe tăng và máy bay trực thăng đã cho thấy những bằng chứng không thể chối cãi về việc chế độ Syria cố tình tàn sát người dân vô tội. Ngoại trưởng Clinton kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức trong và xung quanh Hama nhằm cho phép phái bộ giám sát của Liên hợp quốc vào ngôi làng Traimseh. Theo Ngoại trưởng Mỹ, vụ thảm sát này càng cho thấy cộng đồng quốc tế cần phải tăng cường áp lực lên chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad (Ba-sa an Át-xát) nhằm thúc đẩy một kế hoạch chuyển giao chính trị do Liên hợp quốc hậu thuẫn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi cần nhanh chóng có giải pháp cứng rắn... với đe dọa trừng phạt từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong khi đó, ngày 14-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố phản đối kịch liệt các hành động gây tổn hại tới dân thường đồng thời kêu gọi các bên tại Syria có những giải pháp thiết thực và thực hiện cam kết ngừng bạo lực ngay lập tức. Phát biểu tại cuộc họp báo tại Thủ đô Cairo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi (Mô-ha-mét Mơ-xi), Tổng thống Tunisia (Tuy-ni-di) Moncef Marzouki (Mông-xép Mác-du-ki) lên án vụ thảm sát mới đây tại Syria, đồng thời phản đối mọi sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào nước này.
Chưa có lối thoátTrước đó, ngày 11-7, các nước phương Tây trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã đệ trình một bản dự thảo nghị quyết yêu cầu trừng phạt Syria vì cuộc xung đột đang diễn ra ngày càng tồi tệ. Theo dự thảo nghị quyết mới, sứ mệnh của Phái bộ Quan sát viên Liên hợp quốc tại Syria sẽ được gia hạn thêm 45 ngày thay vì kết thúc vào ngày 20-7 sắp tới. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý của dự thảo nghị quyết này là việc các nước phương Tây muốn ấn định cho chính quyền của Tổng thống al-Assad thời hạn chót là 10 ngày để chấm dứt việc sử dụng các loại vũ khí hạng nặng, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế theo chương 7 của Hiến chương Liên hợp quốc. Bản dự thảo này được Anh, Pháp, Mỹ và Đức đệ trình sau khi Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn A-rập Kofi Annan (Cô-phi An-nan) báo cáo trước Hội đồng Bảo an, trong đó nêu rõ sẽ có “những hậu quả nghiêm trọng” nếu chính quyền Damascus (Đa-mát) và phe đối lập Syria không thực thi kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông.
Tuy nhiên, cũng như hai lần trước, dự thảo nghị quyết do các nước phương Tây đề xuất khó nhận được cái gật đầu từ Nga và Trung Quốc khi Mát-xcơ-va đã thẳng thừng tuyên bố không ủng hộ bất cứ một nghị quyết nào do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hậu thuẫn, trong đó có lệnh trừng phạt đối với Syria. Phó Đại sứ thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc Alexander Pankin (A-lếch-xan-đơ Pan-kin) đồng thời cho biết, Trung Quốc sẽ cùng với Nga phản đối mọi lệnh trừng phạt đối với Syria. Giữ vững lập trường trừng phạt không mang lại hiệu quả, Nga đã tự mình đề xuất một bản dự thảo nghị quyết riêng, trong đó cũng đề cập tương lai của Phái bộ Quan sát viên Liên hợp quốc tại Syria và ủng hộ các kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông Kofi Annan, tuy nhiên không bao gồm một biện pháp trừng phạt nào nhằm vào Syria.
Đến thời điểm này, rất khó có thể dự đoán phe cường quốc nào sẽ giành ưu thế với bản dự thảo nghị quyết được thông qua. Và trong khi các cường quốc còn đang mải mê với cuộc đối đầu chưa biết khi nào sẽ kết thúc, thì tại Syria, tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn. Những diễn biến hiện nay cho thấy, rất khó để tìm ra một giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này. Và nhiều khả năng, cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 1 năm qua sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng ngày một đáng lo ngại với số người thiệt mạng được cho là đã lên tới hơn 17 nghìn người.
PHƯƠNG LINH(tổng hợp)