Bất cập trong quản lý sử dụng đất dự án sau cấp phép. Bài cuối: Cần kiên quyết thu hồi các dự án sai

09/06/2017 06:42

Để khắc phục tình trạng nhiều dự án không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ đòi hỏi các cấp, các ngành cần có những biện pháp đồng bộ, kiên quyết hơn trong xử lý vi phạm.






Dự án khu sinh thái Đảo Ngọc do Công ty CP Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư đã chậm tiến độ nhiều năm nay


Trong đó, thu hồi dự án là giải pháp mạnh nhằm lập lại trật tự trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tạo quỹ "đất sạch"    

Ông Trần Văn Hà, Trưởng Phòng Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho rằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, chấn chỉnh nghiêm các vi phạm trong quá trình quản lý, sử dụng đất, cơ quan quản lý nhà nước cần theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoạt động đầu tư theo dự án đã được chấp thuận. Nếu phát hiện những dấu hiệu vi phạm, cần có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Dự án nào còn khả thi thì cho phép gia hạn tiến độ đầu tư, bổ sung hoặc điều chỉnh dự án và yêu cầu chủ đầu tư tập trung thực hiện theo đúng quy định của pháp luật khi được điều chỉnh, gia hạn. Việc điều chỉnh, bổ sung gia hạn cần minh bạch, rõ ràng. Chậm như thế nào thì được gia hạn, mỗi lần gia hạn bao nhiêu lâu, điều chỉnh dự án như thế nào, điều chỉnh bao nhiều lần... cần phải được làm rõ để tạo công bằng trong đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Đối với những dự án không thể tiếp tục triển khai, cần kiên quyết thu hồi, bàn giao cho chủ đầu tư mới.

Việc thu hồi những dự án không triển khai, chậm tiến độ hoặc có những vi phạm khác không dễ do vướng nhiều quy định của Luật Đất đai và những văn bản hướng dẫn. Đối với những doanh nghiệp không triển khai dự án, chủ đầu tư chưa tiến hành xây dựng nhà xưởng hoặc có nhiều vi phạm pháp luật như nợ thuế, nợ lương công nhân, bỏ trốn khỏi địa bàn thì việc thu hồi sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sau khi nhận quyết định bàn giao đất đã thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà xưởng và đưa một phần dự án vào hoạt động sản xuất nhưng do yếu tố khách quan không tiếp tục sản xuất thì việc thu hồi cần phải tính toán hợp lý để giảm bớt tổn thất cho nhà đầu tư.

Hiện nay, do UBND tỉnh chưa bố trí được kinh phí cho Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) nên việc xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tài sản đã đầu tư trên đất để trả cho chủ đầu tư chưa thể thực hiện được. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng còn dè dặt trong việc ra quyết định thu hồi dự án vi phạm. Nếu không có chủ đầu tư mới tiếp nhận thì việc thu hồi dự án cũng không có nhiều ý nghĩa. Do đó, sau khi thu hồi, cần thông báo công khai danh sách các khu đất để những nhà đầu tư mới có nhu cầu đăng ký sử dụng. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tài sản đã đầu tư trên đất sau khi khấu trừ sẽ do nhà đầu tư mới hoặc UBND tỉnh trích ngân sách hoàn trả cho nhà đầu tư cũ. Diện tích đất sau khi thu hồi (chưa có nhà đầu tư mới) có thể bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý, coi đây là quỹ đất sạch dự trữ, sẵn sàng bàn giao khi có nhà đầu tư mới. Những vị trí đẹp, thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh có thể tổ chức đấu giá dùng để bù vào phần kinh phí đã trả cho chủ đầu tư cũ.

Thực tế những năm qua việc bàn giao đất sau thu hồi cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý đã phát huy hiệu quả bước đầu. Từ năm 2009 đến nay, gần 70% trong tổng số 1.500 ha đất được giao quản lý đã tìm được chủ đầu tư mới, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực đất đai. Đây có thể là hướng đi hiệu quả đối với quỹ đất sau khi thu hồi những dự án vi phạm trong thời gian tới.

Khuyến khích chuyển nhượng

Cùng với thu hồi dự án, UBND tỉnh cần yêu cầu các cơ quan chuyên môn tạo cơ chế rõ ràng để các chủ đầu tư chuyển nhượng, liên doanh, liên kết khai thác hiệu quả diện tích đất được giao. Việc chuyển nhượng, liên doanh, liên kết cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật và phải được giám sát chặt chẽ, tránh trường hợp lợi dụng chuyển nhượng trốn tránh trách nhiệm tài chính đối với Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty CP Hera Việt Nam (TP Hải Dương) cho rằng đối với những doanh nghiệp không còn khả năng đầu tư thì cần khuyến khích chuyển nhượng để tránh lãng phí đất đai. Tuy nhiên, trước khi chuyển nhượng, UBND tỉnh cần xử phạt số tiền tương ứng với thời gian chậm đầu tư và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính liên quan.

Thời gian qua, công tác quản lý các dự án sau cấp phép còn lỏng lẻo, việc phân cấp quản lý không rõ ràng cũng là nguyên nhân khiến tình trạng dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai khó kiểm soát. Thực tế, hầu hết các dự án chậm tiến độ đều thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Do không có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, xử phạt nên chính quyền và các cơ quan chuyên môn địa phương gần như "bỏ mặc", phó thác cho cấp trên. Vì vậy, công tác phối hợp giữa các sở, ngành của tỉnh với chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp sau cấp phép cần được quy định rõ ràng.

Theo ông Đào Quang Dương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hải Dương, đối với doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh, chính quyền và cơ quan chuyên môn cấp huyện không có quyền thanh tra, xử phạt. Sau kiểm tra, chính quyền cơ sở cũng chỉ có thể kiến nghị hình thức xử lý lên cơ quan chuyên môn cấp trên. Chính vì vậy nên trong nhiều trường hợp, chủ doanh nghiệp không hợp tác khiến công tác quản lý của chính quyền cơ sở gặp rất nhiều khó khăn.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án sau chấp thuận đầu tư, thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, có phân cấp rõ ràng, minh bạch sẽ góp phần hạn chế tình trạng chậm tiến độ như thời gian vừa qua, tạo công bằng giữa các doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, lành mạnh trên địa bàn tỉnh.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Bất cập trong quản lý sử dụng đất dự án sau cấp phép. Bài cuối: Cần kiên quyết thu hồi các dự án sai