Bất cập trong quản lý sử dụng đất dự án sau cấp phép: Bài 1: Nhiều dự án chậm tiến độ

07/06/2017 05:10

Nhiều doanh nghiệp sau khi được giao đất đã không triển khai hoặc triển khai chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...



Phần đất của Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu Bông Sen Vàng (Cẩm Giàng) trở thành nơi trồng cây cảnh, chăn nuôi gà, vịt


Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sau khi được UBND tỉnh có quyết định cho thuê đất đã không triển khai dự án hoặc triển khai dở dang, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gây bức xúc trong nhân dân.

"Bệnh kinh niên"

Theo kết quả rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 2.2017, toàn tỉnh có 63 dự án thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh chưa triển khai xây dựng hoặc chậm tiến độ. Trong đó, có 3 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 60 dự án trong nước đầu tư ngoài khu công nghiệp.

Trong 60 dự án trong nước đầu tư ngoài khu công nghiệp chưa triển khai xây dựng hoặc chậm tiến độ, có 18 dự án chưa được bàn giao đất và 42 dự án đã được bàn giao đất nhưng chưa xây dựng hoặc đã triển khai nhưng chưa đi vào hoạt động. Những dự án này tập trung chủ yếu ở TP Hải Dương (18 dự án) và các huyện: Kim Thành (10 dự án), Nam Sách (7 dự án), Thanh Hà và Tứ Kỳ mỗi huyện có 5 dự án...

Trong số này, không ít dự án không triển khai xây dựng hoặc chậm tiến độ nhiều năm gây bức xúc trong nhân dân như dự án của Công ty CP Vinamit, dự án khu sinh thái Đảo Ngọc (TP Hải Dương) của Công ty CP Tập đoàn Nam Cường, Công ty TNHH một thành viên Thương mại và công nghiệp Cảnh My (Kim Thành), Công ty CP Kao Hùng, Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu Bông Sen Vàng (Cẩm Giàng), Công ty TNHH Hanh Thúy (Nam Sách), Công ty TNHH Cao Cường (Chí Linh)...

Có những dự án khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư là niềm hy vọng về một sự đổi thay cho địa phương. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn người dân đã thất vọng, bức xúc. Điển hình như dự án của Công ty CP Vinamit. Năm 2011, công ty này khởi công cụm nhà máy chế biến, tổng kho bảo quản rau, củ, quả và mô hình giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn xã Nam Đồng với tổng mức đầu tư 285 tỷ đồng.

Để dự án được triển khai, 38 ha đất ruộng nhanh chóng được UBND tỉnh giao cho doanh nghiệp. Dự kiến cụm nhà máy chế biến sẽ có 3 dây chuyền sơ chế, đóng gói và sản xuất nông sản, khu vực nghiên cứu và nông trường kiểu mẫu. Dự án cũng kỳ vọng sẽ tạo việc làm cho 300 lao động địa phương, mở ra hướng hỗ trợ kinh doanh, công việc phụ trợ cho hàng nghìn hộ nông dân trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng đã hơn 6 năm qua, dự án này vẫn là một bãi cỏ hoang. Không chỉ nông dân bàn giao đất cho dự án mà tỉnh cũng thiệt thòi vì những khu "bờ xôi, ruộng mật" đã biến thành khu đất hoang hóa.

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất khuôn mẫu, chế tạo và gia công các sản phẩm kim loại tại xã Tân Trường (Cẩm Giàng) do Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu Bông Sen Vàng làm chủ đầu tư cũng chậm tiến độ đã nhiều năm nay. Được UBND tỉnh giao đất từ năm 2010 nhưng doanh nghiệp gần như không triển khai dự án. Mặc dù năm 2013 công ty này đã được UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đến hết ngày 30.6.2015 nhưng sau đó vẫn "án binh bất động". Đến nay, công ty còn để hoang 3.000 m2 đất, chủ đầu tư vẫn nợ ngân sách gần 1,7 tỷ đồng tiền thuê đất.

Doanh nghiệp "biến mất"



Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp Hải Dương hoạt động tái chế nhựa không đúng với chủ trương đầu tư


Kết quả kiểm tra của các cơ quan chuyên môn cho thấy ngoài chậm tiến độ, còn hàng trăm dự án có những vi phạm như sử dụng đất không đúng mục đích; cho thuê đất, tài sản gắn liền trên đất trái thẩm quyền...

Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp Hải Dương tại thị trấn Nam Sách do Công ty TNHH Hanh Thúy làm chủ đầu tư. Hiện dự án còn khoảng 3.000 m2 đất chưa sử dụng, thực hiện hoạt động tái chế nhựa không đúng nội dung được phê duyệt. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn nợ ngân sách gần 400 triệu đồng tiền thuê đất và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Sản xuất thiết bị thông tin và Trung tâm Sửa chữa, mua bán ô tô Cảnh My - COMTEC tại xã Tuấn Hưng (Kim Thành) cũng được xếp vào danh sách những dự án chậm tiến độ "kinh niên" cùng hàng loạt những sai phạm khác. Dự án này do Công ty TNHH một thành viên Cảnh My làm chủ đầu tư được UBND tỉnh giao đất từ năm 2010.

Từ năm 2012 dự án đã dừng hoạt động. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, công ty tiến hành xây dựng một số công trình không đúng quy hoạch mặt bằng được phê duyệt. Doanh nghiệp này hiện còn nợ ngân sách 190 triệu đồng tiền thuê đất, chưa nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp các năm 2014-2015.

Tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất sau cấp phép của các doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến. Nhiều doanh nghiệp sau khi có chứng nhận đầu tư không thực hiện thủ tục thuê đất, hoặc sau khi có quyết định thuê đất không làm các thủ tục tiếp theo. Một số doanh nghiệp không xây dựng hoặc xây dựng không đủ các hạng mục như cam kết ban đầu, để đất hoang hóa, lãng phí.

Ngoài ra, có doanh nghiệp sau khi được giao đất chỉ sử dụng một phần diện tích được thuê để hoạt động, diện tích còn lại cho doanh nghiệp khác thuê lại không đúng với nội dung giấy phép. Nhiều chủ đầu tư còn không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai như: Công ty TNHH một thành viên Thương mại và công nghiệp Cảnh My (Kim Thành) nợ 189 triệu đồng, Công ty TNHH Cao Cường (Chí Linh) nợ 1,7 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư phát triển thương mại Phú Bình (TP Hải Dương) nợ 710 triệu đồng, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Trường Độ (Nam Sách) nợ 216 triệu đồng, Doanh nghiệp tư nhân Hưng Huy (Cẩm Giàng) nợ 873 triệu đồng.

Đặc biệt, có những doanh nghiệp như: Công ty CP Đầu tư phát triển và Thương mại Phú Bình (TP Hải Dương), Công ty CP Kao Hùng, Công ty TNHH một thành viên Đức Anh, Công ty CP Thương mại dịch vụ và Xuất khẩu An Thành (Cẩm Giàng)... không còn hoạt động, cơ quan chức năng không thể liên lạc được với chủ doanh nghiệp để giải quyết những tồn tại.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Bất cập trong quản lý sử dụng đất dự án sau cấp phép: Bài 1: Nhiều dự án chậm tiến độ