Năm học 2020-2021, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 không thống nhất trong ngành giáo dục có thể gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh.
Giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Thượng (TP Hải Dương) nghiên cứu, trao đổi về bộ sách giáo khoa “Cánh diều”
Năm học 2020-2021 có tới 4 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được đưa vào giảng dạy ở tỉnh ta. Việc đổi mới này tuy có mặt tích cực, nhưng cũng có những bất cập.
Mỗi nơi một kiểu
Có 5 bộ SGK lớp 1 được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi căn cứ vào quyết định về tiêu chí lựa chọn SGK lớp 1 của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trong tỉnh đã chọn ra 4 bộ SGK lớp 1. Đó là các bộ sách: "Cánh diều" của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh; "Bình đẳng và dân chủ trong giáo dục", "Cùng học và phát triển năng lực", "Kết nối tri thức với cuộc sống" đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Dư luận đặt câu hỏi vì sao tỉnh không chỉ đạo các trường chọn một bộ SGK lớp 1 để tạo sự thống nhất mà lại để giáo viên các trường tự do lựa chọn nhiều bộ sách. Bà Hoàng Thị Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết ngày 28.11.2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình SGK. Nghị quyết nêu rõ các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc này còn góp phần tăng cường xã hội hóa, tránh độc quyền trong cung cấp SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Sở hướng dẫn các trường lựa chọn SGK lớp 1 theo quy định, tiêu chí, thông tư hướng dẫn của cấp trên, không can thiệp hay tác động gì vào việc này. Tuy mục tiêu, nội dung, phương pháp, cách tiếp cận, biên soạn, trình bày của 4 bộ sách và từng môn học có khác nhau, nhưng đều bám sát mục tiêu chương trình giáo dục tiểu học.
Thông thường 1 trường sẽ lựa chọn 1 trong 4 bộ SGK trên để đưa vào giảng dạy trong năm học 2020-2021. Nhưng đa số các trường không lựa chọn như vậy mà chọn ở mỗi bộ sách ra những môn học được cho là phù hợp. Trường Tiểu học Bình Hàn chủ yếu lựa chọn các môn học như toán, tiếng Việt, tự nhiên xã hội... trong bộ "Cánh diều", chỉ có một số ít môn lựa chọn từ các bộ sách khác. Còn Trường Tiểu học Cẩm Thượng (cùng TP Hải Dương) lại chọn ở mỗi bộ sách một vài môn. Đây là thực trạng chung ở hầu hết các trường trong tỉnh.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Thượng Nguyễn Thị Nam cho biết việc lựa chọn SGK diễn ra khách quan, theo đúng quy định, dựa theo đề xuất, nguyện vọng của giáo viên. Tổ giáo viên lớp 1 nghiên cứu, lựa chọn và đề xuất lên hội đồng nhà trường. Hội đồng nhà trường tiếp tục tổ chức bỏ phiếu lấy ý kiến lựa chọn SGK với sự tham dự của giáo viên lớp 1, giáo viên dạy các môn chuyên, đại diện cha mẹ học sinh... "Việc lựa chọn SGK phải dựa trên ý kiến thống nhất của giáo viên. Đây là quy định nên nhà trường không thể can thiệp. Điều này cũng giải thích vì sao nhiều trường không lựa chọn 1 bộ sách nhất định mà lại nhặt ở mỗi bộ một vài môn", bà Nam thông tin.
Khó thống nhất trong đa dạng
Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ cần tổ chức một buổi tập huấn chuyên môn cho giáo viên lớp 1. Nhưng năm nay, do cùng lúc có nhiều bộ SGK lớp 1 đưa vào sử dụng nên sở phải tổ chức tập huấn chuyên môn thành nhiều buổi, gây tốn kém chi phí, mất thời gian, giáo viên cũng vất vả.
Nhiều nhà quản lý giáo dục bày tỏ lo lắng khi việc lựa chọn SGK lớp 1 diễn ra không có sự thống nhất trong toàn ngành. Tại một địa phương nhưng cùng lúc có nhiều bộ SGK được sử dụng đồng thời sẽ gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt chuyên môn. "Khi tổ chức giao lưu học sinh giỏi thì sẽ thế nào vì trường này học bộ sách này, trường kia lại học bộ sách khác. Hay lúc chấm giáo viên dạy giỏi thì lấy đâu ra tiêu chí chung", một hiệu trưởng ở Tứ Kỳ nói.
Việc học sinh lớp 1 chuyển trường trong năm học diễn ra khá phổ biến. Không ít phụ huynh tỏ ra lo ngại khi các trường không có sự đồng nhất trong việc lựa chọn SGK. "Môn toán của bộ sách này thì trong học kỳ 1 chỉ dạy học sinh cộng trừ trong phạm vi 10 nhưng cũng môn toán của bộ sách khác lại dạy học sinh cộng trừ trong phạm vi 20. Nếu học sinh mới chỉ học đến cộng trừ trong phạm vi 10 mà chuyển tới trường đã học cộng trừ trong phạm vi 20 thì theo thế nào, ai sẽ dạy bù cho các cháu?", anh Nguyễn Công Khánh ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) có con chuẩn bị vào lớp 1 băn khoăn.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện chỉ có TP Chí Linh thống nhất lựa chọn bộ sách "Cánh diều" và huyện Nam Sách thống nhất lựa chọn bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống". Việc lựa chọn này dựa trên đề xuất của các trường. |
BÌNH MINH