Bất cập trong cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá

26/10/2022 15:12

Sáng 26.10, đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.


Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị cân nhắc việc thu hẹp quyền của người trúng đấu giá biển số xe ô tô

Cân nhắc việc thu hẹp quyền của người trúng đấu giá 

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá, đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết nhiều người dân đang sử dụng biển số đẹp đồng tình cao với việc tổ chức đấu giá những biển số đẹp, đáp ứng nhu cầu, sở thích. Tuy nhiên, một biển số đẹp phải đi cùng với một hãng xe, loại xe theo sở thích của người dùng mới đáp ứng đầy đủ mong muốn của người có biển số đó. Đại biểu Lê Văn Hiệu cho rằng nếu bỏ ra một khoản tiền lớn để đấu giá biển số nhưng lại là hãng xe, loại xe người đó không thích thì giá trị tinh thần đem lại sẽ hạn chế.

Mặt khác, trong trường hợp gặp rủi ro, tài sản của người dân có thể bị mất trắng, nếu như xe bị tai nạn, hỏng do lỗi của nhà sản xuất mà không được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế thì thiệt hại chồng thiệt hại. Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc việc thu hẹp quyền của người trúng đấu giá cũng như người được chuyển nhượng, thừa kế. 

Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu tại phiên thảo luận tổ 

Lo ngại về tính thống nhất, phù hợp của dự thảo nghị quyết này, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết theo điểm b, khoản 2, điều 15 Luật Ban hành văn bản quy định Quốc hội ban hành nghị quyết định thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành. Do đó, đang có xung đột khi nghị quyết của Quốc hội ban hành để giải quyết những vấn đề khác so với pháp luật hiện hành. Đại biểu đề nghị xử lý xung đột giữa pháp luật về đấu giá tài sản và quản lý tài sản công. 

Theo đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, từ điều 2, điều 6 của dự thảo đều quy định về việc đấu giá hoạt động đấu giá, biển số xe chưa phù hợp. Đại biểu đề nghị quy định là thí điểm đấu giá lựa chọn quyền sử dụng biển số xe ô tô để sát hơn. Hơn nữa, quy định được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành có thể gây bất cập, khó khăn trong công tác quản lý.


Các đại biểu dự thảo luận tổ

Mở rộng thí điểm cơ chế đặc thù phát triển cả tỉnh Đắk Lắk hoặc Tây Nguyên

Nêu quan điểm tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương hoàn toàn nhất trí, đồng tình cao.

Theo đại biểu Triệu Thế Hùng, Đắk Lắk hiện là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên, là đỉnh nóc của Đông Dương với rất nhiều tiềm năng, thế mạnh cả về chiến lược quốc phòng, an ninh chính trị và tiềm năng rất lớn về kinh tế. Tuy nhiên, cần có chính sách đặc thù, ưu đãi để phát triển cả tỉnh Đắk Lắk hoặc Tây Nguyên thay vì chỉ phạm vi TP Buôn Ma Thuột. Bày tỏ sự băn khoăn về thời gian của chính sách này, đại biểu Triệu Thế Hùng cho rằng 5 năm đã phải sơ kết, đánh giá là quá gấp đối với một chính sách hay và cần thiết. Trong đó, những việc thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng, đào tạo để phục vụ thực hiện chính sách còn bất cập.

Nếu thu hút nhân tài về khối Nhà nước thì vận dụng chính sách, chế độ của Nhà nước và chính sách của tỉnh nhưng tỉnh cũng phải tuân theo quy định của Nhà nước. Địa phương dù có ưu đãi gì thì cũng cần tuân thủ theo quy định của pháp luật. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc thu hút nhân lực chất lượng cao và nhiều địa phương đã có nhiều cơ chế để thu hút, động viên về vật chất nhưng đối với nhân lực chất lượng cao thì quan trọng là môi trường làm việc để cống hiến, sáng tạo.

"Nhiều tỉnh thu hút người tài với nhiều đãi ngộ nhưng chỉ một thời gian họ rời đi bởi họ cần một môi trường để phát huy năng lực mới là quan trọng. Bên cạnh đó, còn nhận thức của đồng nghiệp, tập thể. Do đó, tôi cho rằng phải theo một cách đồng bộ về cơ chế đãi ngộ, coi như là cơ chế bảo vệ nguồn nhân lực chất lượng cao", đại biểu Triệu Thế Hùng nói.

Cũng theo đại biểu, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà đề án này chỉ có 5 năm thì chưa kịp để đầu tư đào tạo, chưa đào tạo xong thì đề án này có thể tiếp tục, dừng lại hoặc là có thể kịp nhưng không hiệu quả. Nhấn mạnh 3 đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, đại biểu Triệu Thế Hùng cho rằng nguồn nhân lực là then chốt để phát triển bền vững, lâu dài vì chất xám càng khai thác sẽ càng phát triển. Tuy nhiên, với thời gian ngắn và không gian chỉ trong một thành phố của tỉnh Đắk Lắk thì có thể chưa đủ để thực hiện. 

"Tôi đề xuất nên mở rộng phạm vi của chính sách này rộng ra cả tỉnh Đắk Lắk hoặc Tây Nguyên và tối thiếu 10 năm mới đủ thời gian cơ học để nhìn thấy hiệu quả bền vững của đề án quan trọng, nhân văn này" đại biểu Triệu Thế Hùng đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhất trí với tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù TP Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, đại biểu nêu rõ 2 vấn đề còn vướng mắc trong dự thảo nghị quyết này. Thứ nhất, về cơ chế đặc thù thu hút được các nhà khoa học, những người có tài năng đặc biệt hay gọi là cơ chế ưu đãi. Vấn đề thứ hai đại biểu còn băn khoăn là về chính sách ưu đãi thuế với doanh nghiệp trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột ở một số lĩnh vực.

"Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk, Buôn Mê Thuột nói riêng có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Có thể nói, vùng Tây Nguyên là mỏ vàng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch hiện nay chưa cân xứng với tiềm năng. Do đó, nếu chỉ ưu đãi thuế cho các dự án chỉ trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột chưa hợp lý bởi tài nguyên phát triển 3 loại hình du lịch này trong thành phố không nhiều mà chủ yếu ở các huyện của tỉnh Đắk Lắk", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị cần dự liệu trước những vấn đề sẽ phải đối mặt để có những giải pháp phù hợp, tránh khi vấn đề nảy sinh rồi mới đi tìm giải pháp. Cụ thể, khi du lịch phát triển thì áp lực về môi trường rất lớn và cần có hướng đi vừa phát triển du lịch, vừa bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường khu vực Tây Nguyên. Vấn đề thứ 2 cần dự liệu là phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên và giữ gìn những đặc trưng văn hóa. Vấn đề thứ ba có thể nảy sinh là an ninh, quốc phòng ở Buôn Ma Thuột. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh đây là nơi có vị trí chiến lược rất quan trọng và có ý nghĩa lớn về an ninh quốc phòng, là thủ phủ của cả khu vực Tây Nguyên, có rất nhiều dân tộc cùng sinh sống. Nếu phát triển du lịch, thu hút khách du lịch về Tây Nguyên, về Buôn Mê Thuột thì cần tính trước đến vấn đề quốc phòng, an ninh vì sẽ nảy sinh phức tạp.

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Bất cập trong cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá