Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) hiện có ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Nhưng hoạt động của các trung tâm này còn nhiều khó khăn, vướng mắc và kém hiệu quả.
Trung tâm Học tập cộng đồng xã Quang Khải (Tứ Kỳ) thiếu sách, tài liệu
Thiếu thốn
Sau khi thành lập vào năm 2008, TTHTCĐ xã Quang Khải (Tứ Kỳ) được cấp máy tính, tủ đựng tài liệu, bàn ghế... với tổng kinh phí 30 triệu đồng. Đến nay, trung tâm chưa được nhận thêm nguồn hỗ trợ nào khác. Ông Lê Văn Phương, Giám đốc TTHTCĐ xã cho biết: "Trung tâm thiếu cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động. Việc mở các lớp học theo nhu cầu cho người dân địa phương cũng bị hạn chế. Trong năm học 2018-2019, có 31 lớp tập huấn đều do các đoàn thể của huyện, xã tổ chức còn trung tâm chỉ làm nhiệm vụ phối hợp. TTHTCĐ xã hiện thiếu 1 phó giám đốc do luân chuyển công tác hơn 1 năm nay".
Ông Lê Xuân Trường, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ cho biết đây cũng là khó khăn chung của các TTHTCĐ trong huyện. Tứ Kỳ có 27 TTHTCĐ ở các xã, thị trấn, tất cả đều thiếu kinh phí hoạt động thường xuyên. 100% số trung tâm không có trụ sở riêng. Các lớp học cộng đồng thường tổ chức tại hội trường UBND xã, nhà văn hóa các thôn, khu dân cư. Phương châm "cần gì học nấy" rất khó thực hiện do không đáp ứng đủ điều kiện cho người dân đến các trung tâm đọc sách, nghiên cứu tài liệu và chia sẻ nhu cầu học tập thường xuyên.
Huyện Gia Lộc hiện có 23 TTHTCĐ ở các xã, thị trấn. Các trung tâm đều có hội trường để học tập, có tủ sách riêng. Theo ông Đỗ Thế Ngọc, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, năm học 2018-2019, các TTHTCĐ đã sửa chữa, mua 25 máy vi tính mới, 23 tủ sách cùng hàng trăm bộ bàn ghế. Nhưng các trung tâm ít sách lại chưa cập nhật thường xuyên. Cơ sở vật chất ở nhiều đơn vị xuống cấp, thiếu trang thiết bị. Ngoài kinh phí hỗ trợ ban đầu là 30 triệu đồng, các đơn vị phải tự cân đối ngân sách, huy động nguồn xã hội hóa để duy trì hoạt động.
Cán bộ thường xuyên thay đổi
Theo Phòng Giáo dục chuyên nghiệp - giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo), hằng năm, sở đều tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho Ban giám đốc TTHTCĐ các xã, thị trấn. Khi kết thúc năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố đều phát phiếu đánh giá xếp loại và kiểm tra hoạt động của các TTHTCĐ ở địa phương. Vừa qua, sở đã tổ chức kiểm tra TTHTCĐ ở các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Tứ Kỳ, TP Chí Linh và phát hiện nhiều bất cập. Nhiều TTHTCĐ ít hoạt động, không có phòng làm việc riêng, hầu hết phải sử dụng các phòng tích hợp. Các trung tâm đều có tủ sách nhưng không có phòng thư viện. Tổ chức lớp học còn theo lối mòn, nội dung chưa đa dạng. Một số TTHTCĐ không lưu nội dung các lớp tập huấn. Việc điều tra, khảo sát nhu cầu học tập của người dân địa phương còn mang tính hình thức. Hiện 100% số cán bộ quản lý của các TTHTCĐ là kiêm nhiệm, thường thay đổi theo nhiệm kỳ bầu cử hoặc luân chuyển công tác, nghỉ hưu. Một số TTHTCĐ chưa kiện toàn đầy đủ ban giám đốc gồm 1 giám đốc và 2 phó giám đốc. Mức phụ cấp cho đội ngũ này còn thấp nên khó động viên, khuyến khích họ làm việc. Giám đốc chỉ nhận 100.000 đồng/tháng; phó giám đốc 70.000 đồng/tháng. Nhận thức của người dân về TTHTCĐ còn hạn chế nên vận động họ tham gia vào các lớp học gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Đỗ Thế Ngọc, cơ quan chức năng cần tăng cường tập huấn cho ban giám đốc trung tâm; thường xuyên tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ để kịp thời biểu dương, nhân rộng những đơn vị điển hình, có giải pháp hiệu quả giải quyết khó khăn, khắc phục hạn chế. Kinh phí hoạt động của các trung tâm cần huy động từ nhiều nguồn như chương trình xây dựng nông thôn mới, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… Các đơn vị cần chủ động nắm bắt nhu cầu học tập của người dân qua thực tế sản xuất, kinh doanh để có hướng phát triển phù hợp. Chính quyền cấp xã cần quan tâm sâu sát đến hoạt động của TTHTCĐ...
THẢO NGUYỄN