Sản xuất rau sạch, trồng chanh leo, xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp là những mô hình mới ở Bình Giang nhưng thời hạn cho thuê đất ngắn nên gặp khó khăn.
Mỗi năm trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Phú Khê,
xã Thái Học (Bình Giang) thu lãi 300 triệu đồng
Hy vọng...Đầu năm 2016, anh Trần Thanh Tùng ở thôn Ấp Hà (xã Thái Dương) thuê gần 10 ha đất công điền tại cánh đồng Ấp Hai, thôn Ấp Hà để xây dựng khu sản xuất rau sạch tập trung. Đây là mô hình sản xuất rau sạch đầu tiên ở huyện Bình Giang. Đến nay, anh Tùng đã đầu tư 1,2 tỷ đồng mua máy làm đất, gieo hạt, lên luống; lắp đặt đường ống dẫn nước sạch, dàn tưới nước; thuê nhân công lao động... Vụ đầu tiên, anh Tùng trồng cải bắp, cải ngọt, cải ngồng, su hào, bí xanh, ớt chuông, rau mầm… Được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang, anh đã ký hợp đồng với Công ty CP Giống cây trồng Kiên Giang (Công ty Kiên Giang) bao tiêu toàn bộ sản phẩm rau sạch trong 5 năm. Công ty Kiên Giang có trách nhiệm hỗ trợ anh Tùng giống, một phần phân bón vi sinh, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất. Dù chưa cho thu hoạch nhưng anh Tùng khá tự tin: “Nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và có đầu ra ổn định, tôi sẽ biến cánh đồng lúa kém hiệu quả này thành cánh đồng rau trù phú”.
Cũng được Công ty Kiên Giang bao tiêu sản phẩm trong 5 năm, mô hình sản xuất chanh leo ở xã Bình Minh hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình thuộc đề tài nghiên cứu khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ triển khai trong các năm 2016 và 2017. Chanh leo được trồng chủ yếu ở thôn Bá Đông với tổng diện tích hơn 2 ha. Ngoài bao tiêu sản phẩm, Công ty Kiên Giang còn hỗ trợ nông dân giống, một phần phân bón và quy trình kỹ thuật. Bà Vũ Thị Chuyến có 1 mẫu chanh leo cho biết: “Theo đánh giá bước đầu của Sở Khoa học và Công nghệ, Công ty Kiên Giang, chất lượng chanh leo của gia đình tôi và nhiều hộ ở đây đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Chúng tôi có thể thu lãi 9 triệu đồng/sào. Trồng chanh leo được bao tiêu sản phẩm nên bà con nông dân yên tâm sản xuất”.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty Kiên Giang khẳng định công ty sẽ tìm đầu ra ổn định cho chanh leo, rau và các loại nông sản của nông dân huyện Bình Giang tại các thị trường Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Chỉ cần bà con nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật thì sẽ có lãi cao.
Không được bao tiêu sản phẩm như 2 mô hình trên nhưng trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Phú Khê (xã Thái Học) cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Quang nuôi ba ba cách đây 6 năm, nhưng phải đến đầu năm 2015 ông mới nuôi thêm nhiều loại vật nuôi khác. Trang trại của ông đang nuôi 1.000 con vịt trời, 25 con dê, 70 con lợn, hơn 200 con ba ba trên tổng diện tích hơn 20 mẫu. Các sản phẩm của trang trại chủ yếu tiêu thụ tại các nhà hàng ăn trên địa bàn huyện và tỉnh. Bí quyết thành công của trang trại là nguồn thức ăn cho vật nuôi phải sạch và tận dụng từ tự nhiên. Ngoài ra, trang trại của ông Quang còn chủ động nhân giống được nhiều loại vật nuôi. Với mô hình này, năm 2015, ông Quang thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
... và lo lắngDù đã phát huy được hiệu quả và có tiềm năng phát triển nhưng để nhân rộng các mô hình trên thì vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất là thời gian cho thuê đất.
Mô hình sản xuất rau sạch của anh Tùng có khả năng phá sản hoàn toàn nếu UBND xã Thái Dương không tạo điều kiện cho anh Tùng tiếp tục ký hợp đồng thuê đất. Theo hợp đồng đã ký giữa bà Nguyễn Thị Hoài là mẹ đẻ của anh Tùng với UBND xã Thái Dương thì đến hết tháng 12-2016 hợp đồng thuê gần 10 ha đất để sản xuất rau sạch của anh Tùng sẽ hết hạn. Gia đình đã làm đơn gia hạn thuê đất trong 5 năm tiếp theo. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã cho rằng gia đình anh Tùng không đủ năng lực để triển khai mô hình lớn như vậy. Hơn nữa, mức giá thuê còn thấp nên Đảng ủy, UBND xã sẽ phải họp, cân nhắc việc tiếp tục ký hợp đồng với gia đình anh Tùng. “Tất cả vốn, công sức của gia đình tôi đã đầu tư vào mô hình này. Nếu UBND xã lấy lại đất thì coi như lấy đi cơ hội làm giàu của tôi và cũng dập tắt luôn mô hình sản xuất rau sạch xuất khẩu đầu tiên của huyện”, anh Tùng nói.
Trang trại tổng hợp của ông Quang cũng gặp khó khăn khi thời hạn thuê đất chỉ có 5 năm. Ông Quang đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng vào trang trại và đang có ý định đầu tư vốn lớn hơn để triển khai mô hình sản xuất rau sạch. Ông Quang kiến nghị UBND xã Thái Học cần kéo dài thời hạn cho thuê đất, có thể lên đến 30 năm để ông yên tâm đầu tư sản xuất.
Đối với mô hình trồng chanh leo ở xã Bình Minh, người dân chưa được thông báo chính thức về việc quy hoạch chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, trong đó có cây chanh leo. Vì thế, họ không yên tâm đầu tư giàn bê tông theo đúng quy trình kỹ thuật.
Ngoài gia hạn thời gian thuê đất, ông Quang, anh Tùng và các hộ dân trồng chanh leo còn kiến nghị các cấp, các ngành liên quan có chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Trước những kiến nghị này, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bình Giang khẳng định: Đây là những mô hình mới có tiềm năng phát triển. UBND huyện sẽ có kế hoạch làm việc cụ thể với UBND các xã có mô hình và căn cứ vào các quy định của pháp luật để có những chính sách hỗ trợ phù hợp.
MAI LINH