Bấp bênh cây hành

16/12/2015 08:15

Những ngày này, cây hành vẫn đang xuống củ nhưng nông dân huyện Nam Sách đã rải rác thu hoạch để bán đầu vụ với giá cao.




Nông dân Nam Sách đang rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành từ sản xuất đến mở rộng thị trường tiêu thụ hành


Bán sớm

Một tuần nay trên cánh đồng xã An Bình (Nam Sách), cứ vào khoảng 7 giờ sáng người mua, người bán, người cắt hành thuê kéo nhau ra đồng thành từng tốp nhỏ. Gia đình chị Nguyễn Thị Hè ở thôn An Đoài trồng hơn 1 mẫu hành. Chị đang thuê người nhanh chóng cắt hơn 1 sào để kịp bán cho thương lái vào đầu giờ chiều. Vừa nhổ nhanh những khóm hành vẫn còn xanh dọc, chị Hè cho biết: "Mới cách đây vài ngày, tôi còn bán được 22.000 đồng/kg, đến nay theo thỏa thuận với lái buôn, tôi phải thu hoạch nhanh để có hành cân vào đầu giờ chiều giá 13.000-14.000 đồng/kg. Nếu bán vào cuối buổi chiều có khi  giá thấp hơn".

Cùng ở xã An Bình, bà Nguyễn Thị Nhã (thôn An Đông) đang cắt hành thuê cho biết: "Năm nay hành còn được giá chứ cũng thời điểm này năm ngoái, tôi bán có 5.000 đồng/kg, thậm chí có lúc chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg. Nghĩ công trồng, chăm bón đến ngày thu chẳng được bao nhiêu mà thấy chán, không muốn trồng vụ sau nữa".

Tôi thắc mắc tại sao các hộ không để hành khô rồi bán sẽ được giá hơn thì một số người cho biết: "Hành khô năm được năm thua. Năm 2013, giá hành khô có lúc lên tận 100.000 đồng/kg, thấy vậy bà con thi nhau để hành lại thì năm ngoái giá chỉ còn được 15.000-17.000 đồng/kg. Chán quá không làm nữa thì năm nay lại đắt, biết đâu mà tính".

Nếu so sánh giá hành tươi với giá hành khô của cùng một vụ sản xuất cũng thấy phập phù. Chị Trần Thị Huệ, một thương lái nhỏ cho biết: "Năm 2013, giá hành tươi bán tại ruộng là 7.000-8.000 đồng/kg, trung bình 1 sào 5 tạ củ thu 3,5-4 triệu đồng, tôi bỏ vốn ra mua hành tươi về treo lên giàn dóc. Đến năm sau bán giá chỉ được 15.000-17.000 đồng/kg, trong khi 1 sào chỉ còn 2 tạ củ khô vì hao, sâu, thối nhiều, tương đương 3-3,4 triệu đồng/sào, lỗ nặng lại còn mất công". Cũng theo chị Huệ, năm 2014 giá hành tươi chỉ được 5.000 đồng/kg, thậm chí có lúc 2.000-3.000 đồng/kg, bán tươi mỗi sào chỉ thu được 1-2,5 triệu đồng nhưng để thành hành khô, đến thời điểm này bán được 35.000 đồng/kg, tương đương 7 triệu đồng/sào, giá trị kinh tế cao gấp 3-7 lần so với bán hành tươi.

Có lẽ vì giá cả bấp bênh nên để chắc ăn người trồng hành Nam Sách thường bán hành ở ba thời điểm: trước khi cây hành đẫy củ một tháng (lúc này cây vẫn còn xanh dọc, củ chưa to), khi cây hành đẫy củ, người dân thu hoạch và bán tươi ngay tại ruộng và hành già được đem về nhà phơi khô, bảo quản đợi khi được giá mới bán. Theo họ, làm cách này tuy lãi không nhiều nhưng chẳng may lỗ cũng không đáng kể.

Thị trường bó hẹp



Do giá bấp bênh nên nông dân Nam Sách thường bán hành từ sớm


Bà Lương Thị Kiểm, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nam Sách là một trong hai vựa hành lớn của tỉnh. Tuy nhiên, hành Nam Sách chủ yếu cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho các nhà máy, xưởng sấy hành ở địa phương. Từ các nhà máy, xưởng này, hành sấy được cung cấp cho các nhà máy chế biến thực phẩm, đồ ăn sẵn. Ngoài ra, hành Nam Sách còn phân phối đi một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình... Thực tế, hành ở đây chưa xuất khẩu được nhiều, ngoài một lượng không đáng kể xuất sang Trung Quốc.

Do thị trường bó hẹp nên bà con nông dân chưa chủ động được trong sản xuất, cung cấp nguồn hành. Việc bán hành tươi hay khô, giá được hay mất còn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường. Chị Trần Thị Huệ cho biết thêm: "Thị trường có nhu cầu lớn thì chúng tôi thu mua của bà con nhiều và ngược lại. Việc mua bán có thuận lợi hay không, giá cả lên hay xuống cũng do biến động của thị trường". Về phía nông dân, vất vả suốt mùa vụ đến khi được thu hoạch, giá đắt, rẻ cũng phải bán, chưa kể điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, sản suất khó khăn hơn. Đa số các thương lái cho rằng lượng hành thu mua năm nay thấp, ước chừng chỉ bằng 2/3 so với năm ngoái. Năm nay thời tiết ấm, dự đoán hành khô để được trong vụ đông không nhiều. Từ thực tế trên, nông dân Nam Sách đang cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành về cả khâu sản xuất lẫn mở rộng thị trường tiêu thụ để cây hành thực sự vẫn là cây vụ đông chủ lực của địa phương.

Theo ông Võ Hồng Nam, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách, huyện có hơn 1.200 ha hành vụ đông. Các xã trồng hành nhiều là An Bình, Nam Trung, Nam Chính. Hiện nay, xã An Bình mới thu hoạch rải rác nhưng chỉ nửa tháng nữa nông dân sẽ thu hoạch đại trà; xã Nam Trung, Nam Chính khi đó cũng bắt đầu thu hoạch.


    LÊ HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bấp bênh cây hành