Bảo vệ trẻ em những ngày hè

22/06/2011 14:03

Hiện đang là mùa hè, nhiều cha mẹ học sinh thực sự lo lắng cho sự antoàn tuyệt đối của con em mình trước những rủi ro dễ gặp như đuối nước,tai nạn thương tích, điện giật...

Đuối nước là tai nạn phổ biến nhất đối với các em trong mùa hè. Nguyên nhân cơ bản là do các em không biết bơi, thiếu kiến thức phòng bị và do sự chủ quan của người lớn. Để hạn chế thấp nhất những tai nạn thương tâm do đuối nước mang lại, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến những kiến thức cơ bản trong công tác phòng, chữa đuối nước trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cha mẹ có con em trong tuổi học phổ thông phải chủ động định hướng các em vào những hoạt động vui chơi bổ ích, ít nguy hiểm, động viên các em tham gia các hoạt động hè do nhà trường và đoàn thể tổ chức.

Mùa hè, nhu cầu sử dụng điện trong các gia đình chắc chắn tăng như sử dụng quạt, điều hòa, cắm cơm, đun nước, tủ lạnh. Nhiều em nhỏ được cha mẹ giao “trọng trách” cắm cơm hằng ngày, cắm nước tắm cho em... trong khi dây điện chằng chịt, ổ cắm hở. Ở nông thôn, hệ thống điện trong gia đình cơ bản chưa được ngầm hóa, dây điện chất lượng kém, đấu nối nhiều nên tình trạng hở điện, rò điện rất cao, cực nguy hiểm cho trẻ, đặc  biệt là các em nhỏ cấp tiểu học. Hè cũng là thời điểm mưa nhiều, gió lắm, dễ gây nên tình trạng đứt dây điện, các em rất dễ mắc phải và nguy hiểm.

Vì vậy, người lớn cần dạy các em chơi tránh xa ổ điện, bố trí các đường điện cao, kín và cố gắng đi ngầm, hoặc có đường ống nhựa bảo đảm an toàn. Với những dây có nhiều đoạn lối, tốt nhất nên thay, thường xuyên kiểm tra sự an toàn của đường dây. Khi trời có mưa dông, sấm sét, không cho trẻ ra ngoài hoặc không cho trẻ đứng gần đường điện…

Mùa hè là thời điểm thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát triển mà đối tượng ít có khả năng tự bảo vệ, sức đề kháng kém, dễ bị ảnh hưởng phần nhiều là trẻ em. Người lớn cần quan tâm đến việc ăn và uống của các em, không cho uống những thức uống không rõ nguồn gốc, nhiều phẩm màu, không cho ăn những thức ăn ở những hàng quán không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đồ ăn sau bữa còn thừa cần được bảo quản bằng tủ lạnh. Ở những vùng quê, cần đun lại thức ăn sau khi còn thừa. Tốt nhất là ăn bữa nào hết bữa ấy, bảo đảm đủ nước uống, không để các em uống nước bể (nước mưa)…

 Những năm gần đây, phần lớn các gia đình cho các em “thoải mái” xem hoạt hình, ngồi máy tính trong dịp hè. Điều này không tốt bởi làm giảm sự giao lưu của các em với  người lớn, với bạn bè, tách các em xa với môi trường tự nhiên, làm các em “lạc” trong thế giới ảo, nhiều tác động tiêu cực đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Kết quả là sau hè, nhiều em bị cận thị, học hành sụt giảm, biểu hiện tự kỷ... Cần cho các em tiếp xúc với các phương tiện hiện đại nêu trên, song phải có sự quản lý chặt chẽ của gia đình về thời gian, nội dung, không được “chiều” các em theo kiểu tự do, tùy tiện...

BÙI VĂN HẠNH (Chí Linh)

(0) Bình luận
Bảo vệ trẻ em những ngày hè