Thiên địch là những loài côn trùng, nhện hoặc các loài động vật khác dùng sâu hại làm thức ăn để sinh trưởng, phát triển và hoàn thành vòng đời của mình.
Phát triển thiên địch trong vườn cây có múi góp phần hạn chế sâu bệnh
Vì vậy, thiên địch là những loài có lợi, giúp người làm vườn tiêu diệt sâu hại, góp phần giữ ổn định và tăng năng suất cây trồng nói chung và cây ăn quả có múi nói riêng.
Các loài thiên địch chủ yếu thường gặp trong vườn cây ăn quả có múi gồm: bọ rùa đỏ, bọ rùa vằn ăn rệp (còn gọi là bọ rùa vằn), ruồi ăn sâu, bọ xít bắt mồi, kiến vàng, nhện lưới, ong ký sinh trứng và ký sinh sâu non của sâu hại... Để bảo vệ, bảo tồn thiên địch trong vườn cây ăn quả có múi phải bảo đảm các yêu cầu sau:
Hỗ trợ thêm thức ăn và nơi cư trú của thiên địch
Ở một số vườn cây ăn quả, khi mật độ sâu hại thấp (nguồn thức ăn không đủ cho thiên địch) hoặc để hấp dẫn thiên địch tới vườn cây, có thể dùng một số loài thực phẩm thừa như lòng gà, vịt, trâu bò... treo trên cây để hấp dẫn kiến vàng đến sinh sống và làm tổ.
Cần dành một phần diện tích trong vườn cây, hoặc trồng xen cây ăn quả với một số loài cây có tác dụng làm nơi trú ngụ cho thiên địch như ổi, xoài... Nên giữ lại một phần cỏ dại trong vườn vừa có tác dụng làm mát đất, hạn chế rửa trôi đất, vừa có thể giữ ẩm và làm nơi trú ngụ cho thiên địch...
Hạn chế tác hại của thuốc trừ sâu đối với các loài thiên địch
Đa số các loại thuốc bảo vệ thực vật đang sử dụng hiện nay đều rất độc đối với các loài thiên địch. Việc sử dụng thuốc trừ sâu làm chết thiên địch, đồng nghĩa với việc tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nhanh mật độ sâu hại.
Do đó, thuốc trừ sâu chỉ nên sử dụng khi không còn biện pháp nào khống chế được sâu hại và chỉ nên dùng khi thật cần thiết.
Tăng mật độ thiên địch trong vườn cây ăn quả
Ở nhiều nước trên thế giới có các trung tâm nhân nuôi thiên địch, sau đó thả vào trong vườn cây ăn quả. Tại các vùng trồng cây ăn quả có múi, ta có thể bắt các tổ kiến vàng ở nơi khác rồi treo trong vườn cây. Cũng có thể buộc các sợi dây giữa các cây để cho kiến vàng di chuyển hoặc treo thức ăn để hấp dẫn các loài kiến vàng từ nơi khác đến.
Nếu thực hiện tốt các biện pháp trên, chúng ta sẽ có một hệ sinh thái vườn cây ăn quả có múi bền vững, ít hoặc không xảy ra dịch sâu hại, tiết kiệm được các loại thuốc trừ sâu, tạo ra các sản phẩm cây ăn quả có múi an toàn cho tiêu dùng và xuất khẩu.
NGỌC HÂN(tổng hợp)