Sáng 17.1, nhiều hộ trồng đào tại khu vực phố Tỉnh Cầu, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) tá hỏa khi phát hiện thấy gần 150 gốc đào của 11 gia đình bị chặt phá.
Những cây đào bị phá hoại là các loại đào ngũ phúc, đào thế đều có tuổi đời từ 3-5 năm. Cá biệt có những gốc đào rừng hơn 10 năm, giá hàng chục triệu đồng. Những vườn đào trị giá tiền tỷ bỗng chốc bị hủy hoại ngay trước Tết Nguyên đán ít ngày khiến các hộ không khỏi choáng váng vì thiệt hại kinh tế quá lớn. Đáng nói là trong cả khu vực trồng đào lại lọt ra 2 nhà không hề hấn gì. Chủ của một trong hai chủ vườn đào ấy vốn có mâu thuẫn với những hộ còn lại. Thế là sinh ra nghi ngờ nhau. Có lẽ do không chịu nổi áp lực, ông Nguyễn Thạc Bình (52 tuổi), là chủ của 1 trong 2 vườn đào không bị phá và là người có mâu thuẫn với những người còn lại đã tự tử bằng thuốc trừ sâu. Khu phố Tỉnh Cầu vốn đã đang buồn lại càng thêm thảm. Năm nay, khu này mất Tết.
Từ chuyện tỉnh bạn nhìn lại tỉnh ta cũng từng có những vụ phá hoại sản xuất tương tự gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, gây tâm lý bất an cho người nông dân. Bao tháng ngày một nắng hai sương chăm cây chỉ mong tới ngày được thu hoạch, nhưng thành quả bỗng chốc bị phá hoại chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ. Ngày 24.10.2017, gia đình anh Đỗ Văn Hưng (sinh năm 1978) ở xóm 4, xã Ứng Hòe (Ninh Giang) cũng bị thiệt hại nặng nề khi bỗng nhiên hơn nửa đàn trâu của gia đình anh bị kẻ gian dùng vật sắc nhọn cắt lìa chân sau hoặc bị cắt đứt gân chân không đi được. Đàn trâu được gia đình anh Hưng nuôi để bán vào dịp Tết Mậu Tuất 2018, nếu không có sự việc xảy ra, mỗi con sẽ cho lãi 3-5 triệu đồng. Sự việc cũng bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa vợ chồng anh với một gia đình khác.
Trong cuộc sống khó tránh khỏi có những mâu thuẫn nhưng cách hành xử kiểu hủy hoại thành quả lao động sản xuất của người khác ngay trước ngày họ chuẩn bị thu hoạch là không thể chấp nhận được. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, cần bị trừng trị nghiêm minh mà còn đáng bị lên án về mặt đạo đức. Khi có mâu thuẫn, những người trong cuộc cần tỉnh táo, công khai đối thoại với nhau để cùng tìm cách tháo gỡ vướng mắc, không nên ngấm ngầm nuôi thù chuốc oán trong lòng rồi hành xử cạn tàu ráo máng với nhau. Các tổ hòa giải ở cơ sở, các đoàn thể, chính quyền địa phương cần sát sao nắm bắt dư luận, vào cuộc kịp thời.
Cuối năm cũng là dịp rất nhiều tài sản của người nông dân ở khắp các cánh đồng sẵn sàng để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Từ những cánh đồng rau xanh, những ruộng hoa cho đến những mẻ cá, lứa lợn, lứa gà... Sau dồn điền, đổi thửa, quy vùng sản xuất tập trung, lập trang trại, nhiều tài sản lớn của người nông dân hiện hữu trên các cánh đồng chứ không chỉ nằm trong làng, trong từng nhà như trước. Bên cạnh những trang trại được đầu tư quy mô lớn, có sự bảo vệ nghiêm ngặt thì cũng còn nhiều gia đình chưa thực sự chú trọng bảo vệ tài sản của mình. Vì vậy, ở nhiều vùng nông thôn vẫn xảy ra các vụ trộm nông sản, vật nuôi... Đây là tháng "củ mật", bọn trộm cắp thường gia tăng hoạt động. Bởi vậy, những người nông dân cần tăng cường cảnh giác, bố trí canh gác để bảo vệ thành quả lao động của gia đình. Lực lượng an ninh ở các địa phương cũng cần tăng cường tuần tra, kiểm tra để bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa trộm cắp, phá hoại.
Thực tế cũng cho thấy đã có những nơi người dân tự bảo vệ tài sản của mình bằng những phương pháp cực đoan như giăng dây điện xung quanh vườn, ao, chuồng của gia đình; hoặc khi có trộm, cả làng xông ra đuổi đánh gây ra những thiệt hại về người. Vì thế, chính quyền các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền để người dân bảo vệ tài sản đúng pháp luật.
HIẾU THUẬN