Tôi đồng tình với Quốc hội ra Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để giải quyết 6 khó khăn, vướng mắc trong thực tế ...
Đại biểu Lê Thị Thủy (Hải Dương)
Đi vào nguyên tắc của xử lý nợ xấu thì cơ quan soạn thảo đã có 4 nguyên tắc: bảo đảm bảo quyền lợi của chủ nợ; bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền; không sử dụng các khoản chi ngân sách; các tổ chức, cá nhân có vi phạm thì chúng ta xử lý nghiêm túc. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần làm rõ thêm mấy vấn đề sau đây:
Thứ nhất, quan điểm trong nguyên tắc xử lý nợ xấu chỉ mới đề cập đến quyền lợi của chủ nợ, trong này còn có quyền lợi của người đi vay và người có liên quan. Người có liên quan họ chỉ xuất hiện khi chúng ta xử lý tài sản bảo đảm. Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm, vì chúng ta cũng biết rằng trong trường hợp người đi vay nếu tài sản bảo đảm của họ là hợp đồng tiền gửi, tiền gửi ký quỹ, tiền gửi đến tài khoản thanh toán thì tính thanh khoản cao, khi người vay quá hạn không trả nợ được thì tổ chức tín dụng sẽ xử lý được ngay.
Nhưng nếu người đi vay đem bảo đảm bằng tài sản, quá hạn, nợ xấu, lúc này thực tế những người đi vay họ đã rất khó khăn và họ chỉ nhìn vào tài sản bảo đảm đang để ở các tổ chức tín dụng và các tổ chức tín dụng sẽ xử lý tài sản này để thu hồi nợ. Nhưng khi xử lý nợ mà chúng ta không tính đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người đi vay và lúc này cũng xuất hiện cả người có liên quan nữa, thì sẽ không tạo được sự đồng thuận trong vấn đề này. Do đó, tôi đề nghị bổ sung vào nguyên tắc xử lý nợ xấu một nội dung đó là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người đi vay, người có liên quan vào ngay sau cụm từ "chủ nợ" ở khoản 1, tức là bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ và của người đi vay, người có liên quan.
Thứ hai, về bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền có trong quy định hoạt động sản xuất, kinh doanh và chúng ta có các chế định như mua bảo hiểm tiền gửi, việc sử dụng quỹ dự phòng rủi ro.
Trong thực tế vừa qua, khi các tổ chức tín dụng mất thanh khoản thì quyền lợi của người gửi tiền vẫn được bảo đảm. Ở đây chúng ta đang bàn tập trung xử lý nợ xấu, một bên là chủ nợ và một bên là người đi vay thì có nên xuất hiện người gửi tiền theo nguyên tắc này không? Mặc dù tôi vẫn biết xử lý nợ xấu có mục đích bảo đảm an toàn cho người gửi tiền, nhất là một vài ngân hàng hiện nay đang lâm vào tình huống rất khó khăn và trong đó có số lượng tiền của người gửi tiền. Nếu theo nguyên tắc này mà chúng ta chỉ đề cập đến người gửi tiền, quyền lợi của các tổ chức, cá nhân khác cũng bỏ tiền vào ngân hàng này như tiền của các tập đoàn, các tổng công ty, tiền của các tổ chức tín dụng mua cổ phần, tiền vay liên ngân hàng... thì sẽ như thế nào. Do đó, theo tôi nếu đã đưa vào khoản 3, nguyên tắc xử lý nợ xấu là bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền thì phải tính đến quyền lợi của những người không phải là gửi tiền, nhưng đã bỏ tiền vào tổ chức tín dụng và có nợ xấu thì mới đầy đủ. Quan điểm của tôi không đưa chế định người gửi tiền vào trong nguyên tắc này.
Thứ ba, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm khi bổ sung trong nguyên tắc này khoản 3 không sử dụng các khoản chi ngân sách nhà nước cho xử lý nợ xấu. Theo tôi thực chất chúng ta không sử dụng trực tiếp các khoản chi ngân sách nhà nước. Về bản chất thì việc xử lý nợ xấu này vẫn có tiền của ngân sách nhà nước.
Khi xử lý ưu tiên, chúng ta có thể bán giá thấp hơn, tức là có tổn thất và được xử lý như khoản 1 điều 16. Tổ chức tín dụng được phân bổ dần số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng của các tổ chức tín dụng chưa thoái theo quy định chênh lệch giữa giá trị ghi trong sổ nợ và khoản giá bán của nợ xấu vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh hằng năm. Khoản này được tính vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh hằng năm thì lợi nhuận sẽ giảm và sẽ đồng nghĩa với việc giảm nộp ngân sách nhà nước thì rõ ràng nguồn của ngân sách nhà nước sẽ giảm đi. Tôi đồng ý có nguyên tắc này, nhưng Ban soạn thảo thể hiện như thế nào để đúng với bản chất, nếu không sẽ rất dễ bị hiểu sai chỗ này.
Thứ tư, nội dung liên quan đến thu giữ tài sản bảo đảm, tôi đồng tình như điều 7 của dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, ở đây tôi đề nghị bổ sung thêm một ý cho rõ, đó là việc thu giữ tài sản chỉ tương ứng với các khoản vay cả gốc và lãi. Đối với các tài sản bảo đảm xử lý có tranh chấp, tôi đồng ý thực hiện qua tòa án và thực hiện theo thủ tục rút gọn để không ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu.