Bảo vệ nguồn gen cây vải tổ

15/04/2019 09:52

Trải qua gần 200 năm, cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn mang giá trị văn hóa, lịch sử đối với người dân nơi đây.

Dù đã mấy trăm năm tuổi, cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) vẫn ra quả ngọt

Để bảo tồn cây vải tổ, huyện Thanh Hà đã thực hiện đề tài "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo tồn và phát triển nguồn gen cây vải tổ tại xã Thanh Sơn".

Chăm sóc đặc biệt

Đến nay, cây vải tổ đã thọ gần 200 năm và đang có dấu hiệu của "tuổi già" như cằn cỗi, giảm sức sống. Nhiều cành cây bị sâu bệnh phá hoại, không còn khả năng phát triển. Nếu không có biện pháp bảo tồn hợp lý, sớm muộn cây vải tổ cũng chết đi. Đây là lo lắng của người dân huyện Thanh Hà và nhiều nhà khoa học.

Sở Khoa học và Công nghệ đã đặt hàng UBND huyện Thanh Hà thực hiện đề tài "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo tồn và phát triển nguồn gen cây vải tổ tại xã Thanh Sơn". Đề tài thực hiện trong 2 năm (2019-2020) với tổng kinh phí hơn 668 triệu đồng, từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh. 

Để thực hiện đề tài này, huyện Thanh Hà đã phối hợp với một số nhà khoa học của Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu và đưa ra quy trình chăm sóc đặc biệt cho cây vải tổ. Đề tài tập trung đánh giá hiện trạng sinh trưởng, phát triển của cây vải tổ và việc bảo tồn nguồn gen cây vải tổ tại địa phương. Đồng thời áp dụng một số biện pháp kỹ thuật nhằm bảo tồn cây vải tổ; thiết lập phương án kế vị, sử dụng biện pháp kỹ thuật chiết cành để nhân giống từ cây vải tổ quý hiếm.  

Đến nay, huyện Thanh Hà và các nhà khoa học đã đánh giá hiện trạng sinh trưởng của cây vải tổ, lấy mẫu phân tích đất, nước tại khu vực, nắm bắt hàm lượng dinh dưỡng để có biện pháp bổ sung, khắc phục giúp cây phát triển tốt hơn. Các chuyên gia nông nghiệp đã nghiên cứu, hướng dẫn cách chăm sóc để kéo dài tuổi thọ cho cây. Trong năm nay, huyện Thanh Hà sẽ tiến hành dỡ bỏ tường, nền xi măng tạo mặt đất hở, thay lớp đất mặt bằng đất phù sa, bổ sung chất dinh dưỡng. Huyện cũng sẽ làm hàng rào xung quanh cây vải tổ, xây dựng hệ thống tiêu thoát nước, hệ thống tưới nước cho cây; sử dụng phân bón gốc và bón lá thích hợp với từng thời kỳ phát triển của cây nhằm tăng khả năng sinh trưởng. Trong khuôn khổ đề tài, sẽ lựa chọn chiết 20 cành từ cây vải tổ nhằm lưu giữ giống cây quý này. Từ tháng 5-7.2019, huyện sẽ mời các chuyên gia đầu ngành về chiết 10 cành để ươm trồng, năm 2020 sẽ chiết thêm 10 cành. Những cành vải này sẽ trồng riêng tại một khu vực gần với cây vải tổ để giới thiệu, quảng bá cho du khách tới tham quan, phục vụ du lịch sinh thái miệt vườn.

Ông Hoàng Văn Lượm (cháu 5 đời của cụ Hoàng Văn Cơm - người mang giống cây quý này về Việt Nam) đang trông coi khu vực này cho biết: "Được sự quan tâm của các cấp để bảo tồn cây vải tổ, gia đình tôi rất mừng. Loại cây quý này có giá trị đặc biệt đối với nhân dân địa phương. Trước đây, cây vải tổ chưa được nhiều người biết đến nhưng nay đã thu hút nhiều đoàn đến tham quan, kể cả không phải vào mùa vải".   

Nơi lưu giữ nhiều giá trị

Về thăm cây vải tổ cũng là về thăm nơi thờ cụ Hoàng Văn Cơm ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn. 

Huyện Thanh Hà đã xây dựng tấm bia ngay dưới gốc cây vải tổ với dòng chữ: "Nhân dân huyện Thanh Hà nhớ ơn cụ Hoàng Văn Cơm có công trồng cây vải thiều tổ" và xây dựng nhà thờ ghi nhớ công ơn người trồng cây. Từ năm 2017 - 2018, huyện Thanh Hà đã đầu tư gần 5 tỷ đồng để xây dựng nhà khách, khuôn viên ao, tường bao, bãi đỗ xe và một số công trình phụ trợ khác nhằm lưu giữ những giá trị đặc biệt của cây vải tổ. Huyện giao UBND xã Thanh Sơn khảo sát, giải phóng mặt bằng để thông đoạn đường vào tham quan cây vải tổ. Dự kiến trong năm nay, xã sẽ thông đoạn đường này. Ngoài những giá trị về tinh thần, ở đây còn lưu giữ nhiều thành tựu mà người trồng vải thiều Thanh Hà đã đạt được. Những chiếc cúp, biểu tượng thương hiệu vàng, uy tín chất lượng đều được đặt tại nhà thờ thể hiện lòng biết ơn của nhân dân Thanh Hà đối với cụ Cơm. Những năm qua, huyện còn quan tâm sản xuất, nâng cao giá trị của cây vải, quả vải; quảng bá thương hiệu vải thiều; tích cực xúc tiến du lịch ở vùng vải.

Hằng năm, du khách đến thăm cây vải cũng ngày một nhiều hơn. Chỉ riêng mùa vải năm 2018 đã có hàng chục nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng. 

THIÊN DI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ nguồn gen cây vải tổ