Cây cổ thụ có chỗ đứng quan trọng trong đời sống lịch sử - văn hóa, song hiện nay, việc bảo vệ các cây này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Cây gạo cổ thụ ở khu dân cư 12, phường Ngọc Châu đang "chen chúc" giữa nhà cửa, miếu thờ và cột điện
TP Hải Dương hiện có 17 cây cổ thụ từ 100 - 200 tuổi rải rác ở nhiều khu vực, đa dạng về loài như gạo, đa, đề, bàng, lộc vừng, quéo, hồng tàu... Cây cổ thụ có chỗ đứng quan trọng trong đời sống lịch sử - văn hóa, song hiện nay, việc bảo vệ các cây này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Giá trị văn hóa - lịch sử Theo cụ Vũ Văn Đương, người trông coi đình Ngọc Uyên (phường Ngọc Châu) thì trước đây cây gạo cổ thụ ở khu dân cư 12 nằm trong khuôn viên đình. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cây gạo là nơi dựng chòi gác máy bay của dân làng. Trong khi những khu vực khác bị bom đạn giặc cày nát thì riêng khu vực cây gạo và vùng đất xung quanh đình Ngọc Uyên vẫn bình yên. Theo hồi tưởng của cụ Đương, ngày đó khi nhà cửa, đường sá còn chưa cao như hiện nay thì cây gạo rất cao, sum suê tỏa bóng xanh mát, đứng trên chòi gác có thể phóng tầm mắt nhìn thấy toàn cảnh thị xã Hải Dương. Cùng góp công làm điểm quan sát trọng yếu của thị xã Hải Dương lúc đó còn nhiều cây cổ thụ khác như cây đa bến Nê ở thôn Cương Xá (xã Tân Hưng), cây gạo ở thôn Đồng Ngọ (xã Nam Đồng), cây bàng cổ thụ ở thôn Liễu Tràng, xã Tân Hưng… Theo cụ Phạm Mai Hương (sinh năm 1924), một trong những người cao tuổi nhất thôn Liễu Tràng (xã Tân Hưng) thì thời chống Mỹ, nhờ có cây bàng cổ thụ làm chỗ quan sát mà dân làng bình yên vô sự sau các cuộc oanh tạc của giặc.
Theo nhiều người cao tuổi ở thôn Thanh Liễu (xã Tân Hưng), cây hồng tàu hơn 100 tuổi ở đây gắn liền với phối thờ của làng. Cụ Phạm Thị Tuế, năm nay tròn 100 tuổi, cao tuổi nhất làng cho biết, năm 2002, mưa lớn nhiều ngày, rất nhiều cây cổ thụ đã chết nhưng cây hồng tàu vẫn nguyên vẹn. Từ năm 2005 đến nay, vào dịp đầu năm, nhân dân trong thôn thường tổ chức rước Thành hoàng làng từ đình Sinh ra miếu thờ, sau đó rước tiếp ra phối thờ và rước về. Cây hồng tàu như một nhân chứng lịch sử, cùng dân làng đi qua bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc.
Ai đến thôn Khuê Chiền, xã Tân Hưng đều nghe nói về ngôi miếu linh thiêng ở đây. Điểm đặc biệt của cảnh quan là sự phát triển xanh tốt của cây đề cổ thụ trên nóc ngôi miếu, rễ cây phủ trùm lên toàn bộ miếu. Cây đề sum suê, gốc cây lớn chia nhiều gốc phụ bao quanh gốc chính thành một khối trên đỉnh miếu. Trong miếu còn có một bài thơ vịnh miếu Khuê Chiền “… Rễ đề chỗ tựa hình người. Có chỗ tựa hổ tựa voi tựa gà. Có chỗ tựa tượng Phật bà. Xung quanh năm nảy vãi già chắp tay...” Gắn bó với ngôi miếu, cây đề đã trở thành điểm tựa tâm linh vững chắc của người dân làng Chiền.
Cần sớm bảo vệ Dù số lượng không nhiều nhưng hiện nay các cây cổ thụ trên địa bàn TP Hải Dương chưa được bảo vệ và quan tâm đúng mức. Cụ Đương cho biết, dưới gốc cây gạo cổ thụ gần đình Ngọc Uyên có một ngôi miếu của dòng họ Lê Văn. Vài năm trước, miếu được tôn tạo, một số rễ của cây gạo trồi lên đã bị chặt đi. Hiện tại, cây đang đứng “chen chúc” trong một khoảnh đất nhỏ còn sót lại giữa ngôi miếu, nhà cửa và cột điện. Tuy không phải là tình trạng chung của các cây cổ thụ trong lòng thành phố, nhưng đây cũng là một dấu hiệu cho thấy tình trạng giữ gìn và bảo vệ các cây cổ thụ chưa tốt. Phần lớn các cây cổ thụ trên địa bàn TP Hải Dương đều không nằm trong các khu di tích lịch sử nên việc bảo vệ, giữ gìn đến nay còn hạn chế.
Ông Bùi Dương Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Hải Dương cho biết, phòng đã lập danh sách các cây cổ thụ của thành phố và đề nghị UBND tỉnh có biện pháp bảo vệ xây hàng rào bao quanh, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Theo tiêu chí của Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thì một số cây cổ thụ trên địa bàn TP Hải Dương có thể được vinh danh “Cây di sản Việt Nam”. Đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xây dựng đề án nghiên cứu về giá trị lịch sử, văn hóa của các cây cổ thụ nhằm bảo vệ và có phương án chăm sóc kịp thời. Trong khi chờ cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ, người dân khu vực có cây cổ thụ cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn di sản sống của địa phương mình.
QUỲNH VIỆT