Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm: Cần loại bỏ người có động cơ vị kỷ, lợi ích nhóm

30/09/2021 15:00

Bên cạnh việc xây dựng cơ chế để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì cũng cần có “bộ lọc” những người lợi dụng, nhân danh đột phá, sáng tạo nhưng vì động cơ vị kỷ, lợi ích nhóm.

Cần bộ lọc những người vì động cơ vị kỷ

Đổi mới, đột phá là phá những cái cũ kỹ, những điều không còn phù hợp, nhưng nếu làm không khéo thì chính những đổi mới, đột phá đó dễ ảnh hưởng đến những quy định, chính sách chung.

Bởi thực tế cho thấy, trong quá trình phát triển, có những quy định, chính sách đôi khi chưa bao trùm hết, chưa theo kịp thực tiễn cuộc sống, thậm chí được coi là lạc hậu, vì thế, nếu soi chiếu theo đúng nguyên tắc sẽ có những vấn đề nhất định về tính kỷ luật.

Những trường hợp đó, khi bị tố cáo, khiếu nại, nếu xem xét một chiều thì có thể có vi phạm nhất định. Nhưng khi xem xét đa chiều, nếu sai sót ấy không phải do bản thân cán bộ cố tình gây ra để trục lợi thì dễ được thông cảm, dễ chấp nhận hơn và tổ chức cần phải bảo vệ họ.

Chính vì vậy, trong Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”.

GS.TSKH Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, ngoài những yêu cầu chung bảo đảm quy chế, quy định, luật pháp, cần có “lối thoát” để những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung không gặp phải hệ lụy tiêu cực, sự nghiệp bị ảnh hưởng bởi những quy định cứng nhắc. Lợi ích chung ở đây được hiểu là không vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ mà vì lợi ích của Đảng, đất nước và nhân dân.

GS.TSKH Phan Xuân Sơn

GS.TSKH Phan Xuân Sơn

Trong lịch sử, ở mỗi thời kỳ đều có cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, song cũng có giai đoạn khi cơ chế chưa tháo gỡ, họ phải chịu nhiều hệ lụy tiêu cực, thậm chí bị kiểm điểm, kỷ luật. Vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14 được nhiều người kỳ vọng sẽ “cởi trói” cho những cán bộ có tư duy sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm.

“Việc Bộ Chính trị ban hành quy định, cơ chế bảo vệ cán bộ là một tiến bộ. Song cũng đặt ra yêu cầu cơ chế đó phải như “con mắt thần” có thể nhìn rõ cán bộ “đi sai bước”, vì không phải lúc nào cũng sửa sai được. Việc đổi mới, sáng tạo thì không phải việc nào cũng thành công tuyệt đối ngay từ đầu, chúng ta có thể thử, có thể sai và chấp nhận việc này mà cán bộ không phải chịu hệ lụy tiêu cực về bản thân, sự nghiệp” – ông Phan Xuân Sơn phân tích.

Theo chuyên gia này, bên cạnh phần lớn đội ngũ cán bộ, đảng viên đều thực hiện tốt các quy định, cơ chế, chính sách thì cũng có những người lợi dụng kẽ hở, lỗ hổng trong chính sách, quy định để vụ lợi. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng cơ chế, cụ thể hóa bằng những quy định để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung thì cũng cần có “bộ lọc” để lọc những người lợi dụng, nhân danh đột phá, sáng tạo nhưng vì động cơ vị kỷ, “vinh thân phì gia”, “lợi ích nhóm”.

Nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước là luôn tôn trọng, khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên đổi mới, sáng tạo và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, nhưng cũng hết sức công bằng đối với những sai sót, vi phạm. Trường hợp “núp bóng” sáng  tạo, đổi mới mà phục vụ lợi ích cá nhân thì cần phải xử lý thật nghiêm để răn đe, giáo dục.

Mọi ý tưởng đột phá, đổi mới vì lợi ích chung thì phải có kết quả, sản phẩm cuối cùng phục vụ quốc gia, dân tộc. Để tránh những rủi ro, sai sót có thể xảy ra, trước hết cán bộ, đảng viên phải tuân thủ quy tắc báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác về ý tưởng, kế hoạch của mình. Sau đó tiến hành thảo luận, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là người dân bị tác động, ảnh hưởng bởi những sáng kiến đó thì cấp ủy, chính quyền mới có căn cứ cho phép hoặc không cho phép triển khai kế hoạch. Và trong quá trình ý tưởng được thực hiện phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát hiện sớm và kịp thời chấn chỉnh những sai sót, rủi ro có thể xảy ra.

Dám nghĩ, dám làm không có nghĩa là “tiền trảm hậu tấu”

Ông Trần Ngọc Vinh – nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng khóa XIII, Chủ tịch Hội luật gia TP Hải Phòng cho rằng, cần phân định rõ ràng, cụ thể giữa những người thực sự có ý tưởng đột phá, đổi mới để mang lại sự bứt phá, hiệu quả cho quốc kế dân sinh. Động cơ của họ không vì cá nhân, gia đình, lợi ích nhóm hay ngộ nhận, “núp bóng”, nhân danh dám nghĩ, dám làm để làm liều, thực hiện ý đồ của bản thân.

Ông Trần Ngọc Vinh. (ảnh: Hội Luật gia Việt Nam)

Ông Trần Ngọc Vinh

Đề cập việc kỷ luật cán bộ thời gian qua làm cho kỷ cương công vụ ngày càng được siết chặt, ông Trần Ngọc Vinh cho rằng, thực tế cũng xuất hiện tâm lý sợ mắc sai lầm, khuyết điểm, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, dẫn đến tình trạng co cụm, đùn đẩy trách nhiệm khiến công việc không “chạy”.

Vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14 trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, tạo niềm tin vững chắc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên dấn thân, tiên phong, đi đầu trong quá trình đổi mới, sáng tạo để tạo nên những đột phá.

Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng khóa XIII, dám nghĩ, dám làm không có nghĩa là làm liều, làm theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”. Cán bộ, đảng viên phải tuân thủ quy trình báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, bảo vệ. Còn trường hợp thiếu ý thức chấp hành thì sẽ không được bảo vệ và nếu để xảy ra rủi ro, sai sót phải chịu trách nhiệm trước kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước.

“Cán bộ có ý tưởng đột phá, sáng tạo không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Những vấn đề khó, chưa có tiền lệ thì xin chủ trương được thực hiện thí điểm, sau đó mô hình triển khai có hiệu quả thì cho nhân rộng, làm như vậy vừa tránh được rủi ro, vừa đảm bảo an toàn cho cán bộ” – ông Trần Ngọc Vinh nêu ý kiến.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm: Cần loại bỏ người có động cơ vị kỷ, lợi ích nhóm