Là một trong những di sản văn hóa quý hiếm, độc đáo, tiêu biểu, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của dân tộc vào thời nhà Trần, bia “Sùng Thiên tự bi” xứng đáng là bảo vật quốc gia.
Mặt trước bia "Sùng Thiên tự bi" có chữ Phật được chạm khắc rõ nét
Tọa lạc tại nơi có phong cảnh thanh bình, bốn bề là làng mạc, ruộng đồng, phía tây bắc có dòng sông Hàn uốn khúc giống như con rồng chầu về cửa Phật, chùa Dâu ở thôn Thị Đức, xã Nhật Tân (Gia Lộc) còn lưu giữ được tấm bia quý hiếm "Sùng Thiên tự bi" vừa được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là bảo vật quốc gia thứ 8 tại Hải Dương.
Ghi dấu lịch sử
Theo một số văn bia còn lưu lại và quá trình khảo sát tại di tích, cơ quan chức năng đã kết luận chùa Dâu hay còn gọi là Sùng Thiên tự được xây dựng vào thời nhà Lý, là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất trong lịch sử nước ta. Chùa Dâu ngoài thờ Phật theo thiền phái Đại thừa còn thờ Đức Thánh Phạm Trinh Hiến, hiệu Tiên Dung công chúa, có công âm phù giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đánh giặc Nguyên Mông. Trải qua thời gian, chùa Dâu xưa đã đổ nát, ngôi chùa hiện nay được phục dựng vào thế kỷ XX với kiến trúc lưỡng long chầu nguyệt gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện, mái lợp ngói mũi, tường gạch, bộ khung kèo, cột, trụ đấu... bằng gỗ lim.
Trải qua bao thăng trầm thời gian, chùa Dâu còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như hệ thống tượng thờ, đồ thờ cổ. Quý giá nhất trong các cổ vật lưu lại tại đây là tấm bia đá "Sùng Thiên tự bi", một trong những tư liệu góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất, con người cũng như giá trị lịch sử, văn hóa của di tích chùa Dâu.
Nhằm ghi nhận giá trị lịch sử của bia đá “Sùng Thiên tự bi”, tháng 6.2018 UBND huyện Gia Lộc đã gửi văn bản đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, làm thủ tục đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia cho hiện vật này. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tiêu chí để xác định hiện vật là bảo vật quốc gia rất chặt chẽ, hiện vật phải mang tính độc bản, độc đáo, có giá trị đặc biệt đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một thời đại… Sau quá trình nghiên cứu, thẩm định, dịch văn bia…, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập hồ sơ hiện vật để trình các cơ quan có thẩm quyền. Đến ngày 24.12.2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1821/QĐ-TTg công nhận bảo vật quốc gia (đợt 7) cho 22 hiện vật, nhóm hiện vật trong cả nước, trong đó có bia “Sùng Thiên tự bi”.
Khởi dựng thời nhà Trần
Bước vào khuôn viên chùa Dâu, du khách như lạc vào chốn thiền định của các vị chân tu với mái chùa cổ kính, sân gạch, bia đá, lá rơi xào xạc gợi niềm hoài cổ. Ở trung tâm "bức tranh" yên bình ấy là bia đá “Sùng Thiên tự bi” được dựng ở sân chùa. Bia có hình chữ nhật, mái bia hình vòng cung, cao 1,5 m, rộng 87 cm, dày 20 cm. Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định bia được khởi dựng vào năm 1331 thời nhà Trần.
Mặt trước của bia có chữ Phật, mặt sau bia ghi họ tên những người cung tiến ruộng tiền để tu sửa chùa. Đề tài trang trí trên văn bia phong phú với nhiều hoa văn khác nhau. Mặt trước, diềm trán bia chạm khắc lưỡng long chầu nguyệt, giữa trán chạm khắc hoa sen, ngăn cách giữa trán và mặt bia là một hàng chấm tròn nổi, diềm hai bên chạm cửu long, vân xoắn, diềm chân sóng nước kép. Giữa thân bia là chữ Phật chiếm gần hết diện tích mặt bia. Bia được đặt trên lưng rùa, hình tượng rùa sống động, sát với đời thực. Minh văn trên bia cũng thể hiện tính thẩm mỹ cao. Các nhà khoa học nhận định bia “Sùng Thiên tự bi" được chạm khắc tinh xảo, đường nét mềm mại, các đồ án hoa văn đa dạng, phong phú, bố cục tổng thể hài hòa, cân xứng. Văn bia thể hiện trình độ tư duy và nghệ thuật thẩm mỹ trên cơ sở văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như chế độ đương thời.
Nội dung bia giúp các nhà khoa học hiện đại xác định tên địa danh làng, xã cũng như một số địa danh khác được ghi trên bia. Thông qua văn bia, các nhà khoa học có thêm thông tin để nghiên cứu về tình hình ruộng đất và phong tục tập quán của người dân địa phương dưới thời nhà Trần qua việc cúng ruộng và những quy định của làng, xã trong bảo đảm sự tôn nghiêm của nơi thờ tự. Tấm bia cũng chứng minh cho sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo thời Trần. Đây là giai đoạn Phật giáo thật sự hòa nhập trong đời sống dân tộc Việt, giáo lý nhà Phật ăn sâu vào tư tưởng, văn hóa, xã hội Việt Nam, in dấu rõ nét trong văn học, nghệ thuật. Văn bia cũng là nguồn tư liệu quan trọng về trùng tu, tôn tạo di tích chùa Dâu. Về phương diện thư pháp học, các nhà nghiên cứu Hán Nôm đã xác định chữ Phật, nội dung thân bia được khắc bằng thể triện thư và hành thư với đặc trưng, kết cấu chặt chẽ, đường nét ngay ngắn, chỉnh tề, nhanh gọn mà vẫn phóng khoáng.
Là một trong những di sản văn hóa quý hiếm, độc đáo, tiêu biểu, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của dân tộc vào thời nhà Trần, bia “Sùng Thiên tự bi” xứng đáng là bảo vật quốc gia. Thời gian tới, các ngành, các cấp cần quan tâm bảo tồn và trùng tu để phát huy giá trị văn hóa của di tích chùa Dâu và bảo vật quốc gia độc đáo này.
VIỆT QUỲNH