Với kinh phí trên 660 triệu đồng, huyện Thanh Hà sẽ triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để bảo tồn, lưu giữ và phát triển nguồn gen quý cây vải tổ tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn trong năm 2019 và 2020.
Cây vải tổ có tuổi đời gần 200 năm
Đây là kinh phí từ nguồn ngân sách sáng kiến khoa học được tỉnh phê duyệt cho đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ do UBND huyện Thanh Hà chủ trì thực hiện. Theo đó, huyện sẽ đánh giá hiện trạng sinh trưởng, bảo tồn phát triển nguồn gen cây vải tổ. Sau đó, áp dụng một số biện pháp kỹ thuật để bảo tồn như: cải tạo môi trường sống bề mặt của cây, cắt tỉa, dọn cành, bón phân thích hợp với từng thời kỳ sinh trưởng, phòng trừ sâu bệnh và dịch hại đối với cây vải tổ và hai cây thế hệ 2. Huyện cũng sẽ thiết lập phương án sử dụng biện pháp kỹ thuật chiết cành từ cây vải tổ, xây dựng vườn cây kế vị.
Trải qua gần 200 năm, cây vải tổ đang có những biểu hiện không tốt về sức sinh trưởng và phát triển. Xuất phát từ mong muốn bảo tồn, gìn giữ nguồn gen quý từ cây vải tổ, huyện Thanh Hà đã phối hợp với các nhà khoa học thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, đưa ra quy trình chăm sóc đặc biệt cho cây vải tổ.
TT