Để bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt Nhẫm Dương, các đại biểu cho rằng cần cắm mốc giới khu di tích, bảo vệ cảnh quan vốn có và những động thực vật hiện tại...
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ Việt Nam cho rằng cần tuyên truyền để chính người dân bảo vệ khu di tích
Sáng 8.11, tại chùa Nhẫm Dương, xã Duy Tân (Kinh Môn), Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Tổ đình Thánh Quang (Sơn Môn Tào Động Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học tổng kết, đánh giá kết quả nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học và lịch sử, văn hoá khu di tích quốc gia đặc biệt Nhẫm Dương.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Khảo cổ Việt Nam, Viện Dược liệu, Trung tâm Tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu, chuyên gia và nhà khoa học trong và ngoài tỉnh...
Các đại biểu đã phân tích, đánh giá giá trị khoa học, lịch sử, văn hoá, khảo cổ và đa dạng sinh học của khu vực này như có 246 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 203 chi, 92 họ và 5 ngành; 20 loài thú; 60 loài chim; 18 loài bò sát và 12 loài ếch nhái; 87 loài côn trùng; 121 loài cây thuốc mọc tự nhiên; 471 mẫu di cốt động vật (mảnh xương, răng); di cốt của người cổ thuộc thời đại đồ đá mới...
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tập, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo
Thảm thực vật rừng trên núi đá vôi ở khu vực Nhẫm Dương đang bị suy thoái nghiêm trọng, hệ động thực vật có xương sống trên cạn và nguồn cây thuốc cũng cũng đã bị suy giảm; các thông tin, hiện vật có giá trị khảo cổ quý giá chưa được rộng rãi công chúng biết đến...
Các đại biểu cho rằng cần cắm mốc giới khu di tích, di dời các hộ dân trong khu vực; bảo vệ cảnh quan vốn có và những động thực vật hiện tại, bổ sung những cây con đã mất; xây dựng bảo tàng cổ vật để bảo tồn hàng trăm hiện vật khảo cổ bằng đá, đồng, gốm, đất nung và hàng nghìn đồng tiền cổ. Cùng với đó tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương quan tâm bảo tồn di tích. Việc tôn tạo phải tuân thủ Luật Di sản văn hóa...
THẾ ANH