Bảo tồn nghê Việt trong đời sống đương đại

26/05/2019 14:52

Biểu tượng nghê Việt không còn được lưu giữ nhiều trong khi những linh vật có yếu tố văn hóa nước ngoài lại được sao chép, nhân rộng ở nhiều nơi.

1 trong 3 biểu tượng nghê Việt bằng đá hiện còn lưu giữ tại đền Quát ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) 

Đã đến lúc việc bảo tồn, phát huy nghê Việt cần được quan tâm hơn.

Thất lạc nhiều

Từ xa xưa, nghê là linh vật đã xuất hiện trong văn hóa, rất gần gũi, thân quen với người Việt. Nghê được khắc trên bia đá, vẽ trên đồ thờ, đắp chầu trước cổng... Không chỉ thấy ở các cung điện, lăng tẩm, nghê còn xuất hiện trong không gian tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, miếu, nghè, nhà thờ họ.

Nghê có nguồn gốc từ Trung Á, cụ thể là văn hóa Ba Tư. Tại Việt Nam, nghê xuất hiện từ thời Bắc thuộc và vẫn mang dáng vẻ sư tử. Nghê thời Lý, Trần chịu ảnh hưởng của Phật giáo nên thường là linh vật đội tòa sen. Nhưng dần về sau, nghê chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ rồng và thờ chó của người Việt nên tạo hình thường có đặc điểm đầu rồng thân chó. 

Nghê Việt có nhiều loại. Kỳ lân nghê mình vẩy, lưng có sừng, đứng chầu bên hương án, cửa khám, rất thịnh ở thời Lê Trung Hưng. Thời Nguyễn, đầu kỳ lân nghê không có sừng, xuất hiện nhiều ở những nơi tôn nghiêm của hoàng triều như điện Thái Hòa, lăng Thiệu Trị. Kỳ lân nghê xuất hiện phổ biến trên các trụ tam quan chùa, cổng làng với ý nghĩa phân biệt ngay gian, tà chính. Khuyển nghê mang đặc tính của chó, mình không vảy, đầu không sừng, dáng hình khá phong phú và thường thấy chạm khắc trên đình làng, sinh từ, am miếu. Sư tử nghê thân mập, ngắn, to lớn và thường cõng đài hoa sen, xuất hiện nhiều trong mỹ thuật Lý - Trần, gắn bó mật thiết với Phật giáo. Long nghê đầu rồng, miệng lớn, râu dài, ức có ngấn chạy xuống bụng, bắp chân có chớp lửa, chủ yếu xuất hiện trên bờ mái với tên gọi con kìm.

Nghê Việt có diện mạo rất đặc sắc, biến đổi qua các thời kỳ nhưng luôn thể hiện được tâm hồn, tính cách của người Việt với trạng thái cơ bản là trang nghiêm, cung kính, hoan hỉ, mừng rỡ. Trải qua thời gian, chiến tranh, biểu tượng linh vật Việt bị thất lạc nhiều. Trên đất Hải Dương chỉ còn 42 nghê Việt, nằm rải rác tại các di tích ở 8 địa phương: Cẩm Giàng, Thanh Hà, Nam Sách, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Miện và TP Hải Dương. Đa phần nghê Việt còn lại ở tỉnh ta được tạc bằng đá, duy chỉ có 2 con nghê ở đình Tự Đông (phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương) làm bằng gỗ từ thời hậu Lê (thế kỷ thứ XVIII). 

Nhà nghiên cứu nghê Việt Trần Hậu Yên Thế, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã đi khảo sát linh vật tại các di tích ở Hải Dương. Ông cho biết thực sự có lỗi vì đã ra cuốn sách "Nghê - linh vật bên rìa" mà chưa cập nhật được nghê Việt trên đất Hải Dương. Qua các nghê Việt ở xứ Đông cho thấy các nghệ nhân xưa đã thổi vào những nét đẹp đặc sắc riêng. "Nghê là con vật linh nên người ta thường cho nhiều hư cấu, nhưng nghê đá ở Hải Dương thì phần đao mác như cánh. Con nghê có thần thái trang nghiêm, thể hiện sự vững vàng, đạo mạo nhưng có cái gì đấy rất trầm mặc, toát ra một tinh thần rất lạ", ông Thế nhận xét.

Cần quan tâm tuyên truyền, lưu giữ

Nghê Việt song hành cùng với đời sống tâm linh của người Việt, đi suốt chiều dài lịch sử. Tuy nhiên, linh vật này dường như đã bị lãng quên, chưa được thế hệ sau này quan tâm. Đền Quát ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) còn lưu giữ được 3 biểu tượng nghê Việt bằng đá có niên đại từ thế kỷ thứ XVIII. Cụ Phạm Hữu Lương (83 tuổi) - một người dân địa phương nói: "Chưa nói tới giới trẻ, ngay chính một số người trung tuổi cũng chưa biết gì về nghê Việt. Đây là một thực trạng đáng buồn".

Thậm chí, nghê Việt còn bị chính người Việt thay thế bằng những linh vật mang biểu tượng không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Nguy hại hơn, những linh vật mang biểu tượng văn hóa nước ngoài lại được sao chép, nhân rộng, bày đặt khắp nơi từ công sở đến di tích, từ tư gia đến nơi công cộng. 

Nghiên cứu cho thấy đặc điểm nghê Việt khác rất nhiều so với những linh vật ngoại lai như sư tử và kỳ lân Trung Hoa, Haetae của Hàn Quốc hay Komainu của Nhật Bản. Chỉ cần so sánh nghê Việt và sư tử Trung Hoa đã thấy rất rõ điều này. Đầu sư tử Trung Hoa phần nhiều cúi gằm xuống. Trái lại, đa số nghê Việt là ngước lên hoặc ghếch mặt lên trời. Vì ngửa mặt nên ngũ quan nghê Việt sáng rạng.

Đại đức Thích Quảng Thuyết, Phó Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo TP Hải Dương, Trưởng Ban Truyền thông Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết những năm qua, do chưa hiểu biết nên một số cơ sở tự viện đã tiếp nhận các linh vật ngoại lai do phật tử tiến cúng. Sau khi có công văn của Trung ương, các nhà chùa đã loại bỏ. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền đến các tăng ni, trụ trì, hành đạo tại các cơ sở tự viện, thờ tự để họ hướng dẫn các phật tử loại bỏ các linh vật ngoại lai, đồng thời phục chế nghê Việt theo đúng thuần phong mỹ tục văn hóa dân tộc", Đại đức Thích Quảng Thuyết nói.

Theo nhà nghiên cứu nghê Việt Trần Hậu Yên Thế, nghê Việt đi vào không gian vui chơi cũng rất dễ. Ngoài các di tích cũng có thể nghiên cứu dựng biểu tượng nghê Việt tại các khu công viên, nhà dân để mọi người, đặc biệt là giới trẻ nhận thức, phân biệt rõ hơn.

Mới đây, Bảo tàng tỉnh lần đầu tổ chức chuyên đề trưng bày nghê Việt. Ông Vũ Đức Tiến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh mong muốn thông qua triển lãm, mỗi người dân sẽ là cầu nối để tuyên truyền, quảng bá về nghê Việt. Từ đó, giúp mọi người cùng nhận diện, tiếp nhận linh vật vào các di tích, cơ quan, công sở cho phù hợp. Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục lựa chọn thời điểm để tuyên truyền về nghê Việt đến các di tích, trường học với mong muốn tất cả người dân, học sinh đều hiểu biết và có cái nhìn đúng đắn về biểu tượng văn hóa truyền thống này.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo tồn nghê Việt trong đời sống đương đại